Thanh Hóa: Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để giảm nghèo bền vững

Thanh Hóa trở thành một trong những điểm sáng của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

 

Giảm nghèo đa chiều, thoát nghèo bền vững, hạn chế nghèo và phát sinh nghèo. Với những mục tiêu ấy, tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Tỷ lệ hộ thoát nghèo cao hơn mục tiêu đề ra

Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những điểm sáng của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm, năm 2023 ước còn 3,49%, bình quân giai đoạn 2022 - 2023 giảm 1,65%/năm, cao hơn so với mục tiêu kế hoạch (giảm bình quân 1,5%/năm).

Tại Hội nghị sơ kết giữa kỳ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2015, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm. Do vậy, tỉnh đã triển khai kịp thời các chỉ đạo của Trung ương trên quan điểm nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Các cơ chế chính sách và một số chính sách đặc thù để khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, cây, con, nhân lực để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh. Trong nửa đầu hành trình giảm nghèo bền vững, thành công lớn nhất là nâng cao nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên của các hộ nghèo khu vực nông thôn.

Phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất.

Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Sở tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành đầy đủ và kịp thời các nghị quyết, đồng thời xây dựng các kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói chung và hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.       

Chỉ tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án hỗ trợ trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân và một số chủ đầu tư. Hoạt động kiểm tra tập trung vào công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện của UBND huyện và phòng chuyên môn cấp huyện, công tác thẩm định, phê duyệt các dự án. Kiểm tra ngẫu nhiên một số UBND cấp xã và cơ quan cấp tỉnh được giao vốn trong công tác tổ chức xét chọn đối tượng tham gia dự án, quy trình họp lấy ý kiến người dân, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, nhu cầu vốn, mức hỗ trợ, khả năng đối ứng của hộ gia đình và tổ chức thực hiện các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn. Kiểm tra ngẫu nhiên tại một số hộ gia đình tham gia các dự án về tình hình tiếp nhận, chăm sóc, phát triển, sử dụng cây giống, con giống, vật tư, thiết bị... và phương thức đối ứng của các hộ dân.

Với kinh phí được cấp dự toán năm 2021 là 13.779  triệu đồng, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện hỗ trợ thông qua 56 dự án (9 dự án trồng trọt, 46 dự án chăn nuôi, 1 dự án nuôi trồng thủy sản) với 2.131 hộ gia đình được hỗ trợ (1.554 hộ nghèo, 576 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo). Các dự án được cộng đồng đề xuất cơ bản xuất phát từ nhu cầu thực tế và tự cung, tự cấp trong nhân dân. Nguồn vốn để thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 là 19.668 triệu đồng và năm 2023 là 50.517 triệu đồng.

Giải pháp trọng tâm để tiếp tục giảm nghèo nhanh, bền vững

Tuy vậy, theo Sở NN&PTNT, đến nay, tiến độ giải ngân nguồn vốn năm 2022, 2023 còn chậm. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 6 huyện nghèo, 3 xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang, ven biển. Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn là địa bàn tập trung nhiều hộ nghèo, còn hạn chế do còn thiếu kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn. Một số địa phương giữ tập quán canh tác cũ thiếu hiệu quả. Các hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi chưa tìm được đầu ra, chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết nên hiệu quả thoát nghèo gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất sinh kế bền vững cho người nghèo còn thấp.

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, Thanh Hóa tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường công tác điều hành hoạt động chương trình đảm bảo tính xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, xã. Đẩy mạnh hơn nữa cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp giữa các đơn vị cấp tỉnh trong chỉ đạo các địa phương để đảm bảo phân bổ nguồn vốn hợp lý, tránh hiện tượng chồng lấn, trùng đối tượng đầu tư khi thực hiện các chương trình MTQG. Tăng cường tiếp xúc để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách cho cơ sở khi thực hiện chương trình.

Mô hình trồng ổi ở huyện Thạch Thành đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình, xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định đầu tư; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện; đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Dân tộc của HĐND tỉnh trong thực hiện chức năng giám sát chương trình.

Tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo nhanh, đa chiều và bền vững, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa xác định những giải pháp then chốt vẫn là tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chương trình. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo. Phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất. Đặc biệt, giải pháp được tỉnh Thanh Hóa coi là trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận