Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từ nhiều năm nay, tỉnh Sóc Trăng luôn tạo điều kiện đầu tư nguồn lực cho đồng bào phát triển kinh tế, đồng thời quan tâm đến thúc đẩy công tác bình đẳng giới. Vì thế đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và cổ vũ tinh thần chị em dám khẳng định vị thế phụ nữ trên mọi lĩnh vực.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 212 nghìn hội viên, trong đó, có hơn 32% hội viên người dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn tỉnh luôn tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS và nắm chắc diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, không để xảy ra các “điểm nóng”, nhất là ở những vùng có đông đồng bào DTTS.
Cùng với đó, để tạo sự chuyển biến trong thực hiện bình đẳng giới, hằng năm, Hội đều có kế hoạch cụ thể, thực hiện có hiệu quả các đề án về xây dựng bình đẳng giới. Theo đó, ở mỗi cơ sở, Hội sẽ lựa chọn vấn đề bức xúc ở địa phương có liên quan đến 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo... Hội cũng vận động, hỗ trợ để các chị em không sa vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm; can thiệp và giúp đỡ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, mở các lớp tuyên truyền, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, tín dụng đen, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Để nhiều chị em vùng DTTS có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, Hội phối hợp xây dựng, phát sóng chuyên mục phóng sự truyền thông bằng tiếng Khmer; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình cho hàng trăm đại biểu là đồng bào DTTS, người có uy tín trong đồng bào DTTS, cán bộ làm công tác tuyên truyền bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS…
Thông qua công tác tuyên truyền, các mô hình tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới, chị em đã nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Cùng với đó, Hội đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe, tư vấn hôn nhân gia đình cho các chị em DTTS. Hiện, Sóc Trăng có gần 4 nghìn tổ, nhóm, câu lạc bộ, thu hút gần 69 nghìn chị em phụ nữ DTTS tham gia sinh hoạt và các chị luôn làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới. Nhờ đó, ngày càng có nhiều chị em tham gia vào lĩnh vực kinh tế, chính trị, qua đó, nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Đến nay, phụ nữ vùng DTTS tỉnh Sóc Trăng ngày càng khẳng định được bản thân và ý thức hơn trong thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội, phong trào của địa phương. Hiện nay, phụ nữ không những dần thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống mà còn tham gia nhiều hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Cụ thể, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, học sinh dân tộc tham gia học tập ngày càng đông, tỷ lệ học sinh nam, nữ không còn sự chênh lệch nhiều. Phụ nữ DTTS được đào tạo nghề, hỗ trợ lao động việc làm và đồng bào DTTS đều có bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe. Ở lĩnh vực kinh tế, chính trị, vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao vì chị em đã tích cực tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; làm tăng sản phẩm cho xã hội, thu nhập của gia đình.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Những năm qua, Hội đã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS và triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh, nhất là phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Hội cũng cho ra mắt và duy trì các mô hình liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em..., tìm kiếm, xây dựng nguồn cán bộ nữ tiềm năng và làm tham mưu công tác bình đẳng giới cho chính quyền địa phương”.
Song song với đó, tiếp tục tham mưu, thúc đẩy ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện để chị em trau dồi kiến thức nâng cao trình độ tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội của địa phương. Đồng thời, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ưu tiên công tác giáo dục, dạy chữ viết cho phụ nữ DTTS, nâng cao việc chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, phát triển các lớp dạy nghề truyền thống của đồng bào DTTS để chị em phát huy tay nghề, góp phần ổn định kinh tế gia đình./.