Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng cao Yên Bái

  • 12/10/2023 12:00:00
  • Lê Thị Lan Hương
  • Xã hội
  • 0

Để tiếp tục đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái có những giải pháp cụ thể tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

 

Để tiếp tục đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái tăng cường công tác truyền thông, cùng với đó là những giải pháp hết sức cụ thể tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Yên Bái, 5 năm gần đây, toàn tỉnh có gần 2.400 trường hợp tảo hôn. Trong đó, tảo hôn từ vợ là 1.536 người (chiếm gần 65%). Hơn 90% số phụ nữ tảo hôn đều sinh con thứ 3 trở lên, phần lớn thuộc diện hộ nghèo.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tập trung chủ yếu ở đồng bào người Mông, người Dao... tại các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn... Nguyên nhân là do các hủ tục vẫn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác tuyên truyền đôi lúc chưa kịp thời, chưa sát với thực tế.

Để đẩy lùi tình trạng này, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; xác định rõ đối tượng để có nội dung, phương pháp phù hợp; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể, nhất là cấp cơ sở trong nhà trường. Anh Vàng A Cao, Trưởng thôn Suối Dầm, xã An Lương, huyện Văn Chấn cho biết: “Thôn bản thường xuyên tuyên truyền, bằng nhiều hình thức, từ việc đến tận nhà để tuyên truyền đến việc thành lập các tổ, các câu lạc bộ về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Kết quả là trong năm 2023 này chưa phát hiện trường hợp nào, còn năm ngoái có 2 trường hợp đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn”.

Các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã dần tuân thủ pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Ông Hoàng Văn Cội, Chủ tịch UBND xã An Lương, huyện Văn Chấn cho biết thêm: Đội ngũ làm công tác ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở thôn bản là hết sức quan trọng. Trong đó bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, người có uy tín là những người sát với dân nhất, qua nắm bắt tình hình nếu có những biểu hiện vi phạm là tổ chức vận động ngay cũng như báo cáo về xã để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động và thực hiện các giải pháp kịp thời, tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Văn Chấn nói riêng đã giảm rõ rệt, đặc biệt là tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã không còn xảy ra. Các gia đình, nhất là chị em phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, đã dần thay đổi nhận thức, tuân thủ pháp luật về hôn nhân và gia đình, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bà Hoàng Thị Phóng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã cũng coi đây là một nhiệm vụ chính trị, hằng năm xây dựng và ban hành nghị quyết, kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, bí thư chi bộ và cho đảng viên thực hiện”.

Theo thống kê, năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 326 trường hợp tảo hôn, đến năm 2022 con số này giảm xuống còn 63 trường hợp, không có trường hợp nào hôn nhân cận huyết. Để duy trì kết quả đạt được và đề phòng tình trạng này phát sinh trở lại, cuối tháng 8 vừa qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án số 17 về đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2023 - 2025, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân vùng cao./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận