Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo lần 4 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đề xuất một số quy định mới. Trong đó, tại Điều 33 quy định điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình và đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, các chuyên gia,...
Anh Nguyễn Tấn Tới là tài xế xe ôm công nghệ cho rằng: “Việc sử dụng camera khi tham gia giao thông là rất cần thiết vì khi xảy ra các sự vụ liên quan trên đường cũng có thể kiểm tra lại. Tuy nhiên, việc lắp đặt camera chỉ nên dùng với đặc thù công việc của từng người, không nên áp dụng tất cả”.
Liên quan đến nội dung này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết, xe máy gắn camera hành trình là một xu hướng ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Camera hành trình là thiết bị ghi lại hình ảnh và âm thanh của quá trình di chuyển của xe máy trên đường. Việc sử dụng camera hành trình có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có thể gây ra những hại không mong muốn.
Việc xe máy gắn camera hành trình giúp bảo vệ người lái trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông. Camera hành trình có thể ghi lại toàn bộ diễn biến của vụ tai nạn, giúp người lái có bằng chứng để chứng minh mình không phải là người gây tai nạn. Điều này có thể giúp người lái tránh được những rắc rối pháp lý và được bồi thường thiệt hại.
Giúp cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc vi phạm giao thông. Camera hành trình có thể ghi lại các hành vi vi phạm giao thông của các phương tiện khác, giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử phạt. Điều này góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân. Góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Camera hành trình có thể giúp người lái quan sát tốt hơn tình hình giao thông xung quanh, từ đó có thể xử lý tình huống kịp thời, tránh xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, việc các xe máy lắp camera hành trình cũng khiến TS. Nguyễn Hữu Đức lo ngại như: “Camera hành trình có thể ghi lại hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý của họ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người khác. Camera hành trình thường được gắn ở vị trí phía trước hoặc phía sau xe. Điều này có thể gây cản trở tầm nhìn của người lái, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu. Một số người dùng camera hành trình có thể bị phân tâm bởi việc xem lại video hoặc kiểm tra camera. Điều này có thể gây mất tập trung khi lái xe, dẫn đến tai nạn”.
TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc có nên bắt buộc gắn camera hành trình cho xe máy, có thể phát sinh chi phí không nhỏ đối với người dân, thậm chí là con số lớn nếu trên phạm vi toàn quốc.
“Các cấp có thẩm quyền cân nhắc kỹ lưỡng, trên cơ sở xem xét các khía cạnh lợi và hại. Nếu việc bắt buộc gắn camera hành trình được thực hiện, chắc sẽ có những quy định cụ thể về loại camera, vị trí lắp đặt, chế độ ghi hình, bảo quản, xử lý dữ liệu,... để đảm bảo quyền riêng tư của người dân và tránh gây cản trở đến việc lái xe. Ngoài ra, hiện nay đang có khuynh hướng gắn thêm nhiều thiết bị lên xe máy như thiết bị tự dừng xe khi người lái có nồng độ cồn…”, TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Đại diện Cục CSGT cho biết, xe máy chuyên dụng được nêu trong dự thảo Luật là phương tiện thực hiện chức năng công dụng đặc biệt, khi lưu thông ngoài đường cần có camera hành trình, khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với mô tô, xe gắn máy cá nhân, chứ không bắt buộc.
Cũng theo đại diện Cục CSGT, việc lắp đặt camera hành trình sẽ hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài ra, camera hành trình còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông; ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường; người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ; lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại phương tiện của mình hoặc của người khác.
Đại diện đơn vị xây dựng dự thảo cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, các cơ quan chức năng để đánh giá tác động của chính sách để phù hợp với điều kiện thực tế của người dân Việt Nam để quy định sao cho bảo đảm quản lý xã hội phục vụ lợi ích của người dân.
Văn Ngân/VOV.VN