Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam).
PV: Thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Bộ GTVT về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình mới, công tác quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được Cục Đường bộ VN thực hiện thế nào?
Ông Lương Duyên Thống: Thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị 05 về tăng cường công tác đổi mới về quản lý công tác đào tạo, Cục Đường bộ Việt Nam đang tổ chức triển khai 2 Chỉ thị này.
Thứ nhất chúng tôi yêu cầu các Sở GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo cũng như công tác sát hạch, nâng cao chất lượng. Thứ hai, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị có liên quan để nâng cấp hệ thống tiếp nhận dữ liệu, từ thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe tập lái, làm sao tổng hợp được các dữ liệu, giúp các Sở GTVT phân tích, xử lý các vi phạm trong quá trình thực hiện.
Hiện nay Cục Đường bộ Việt Nam đang trình Bộ GTVT sửa đổi các Nghị định và các Thông tư liên quan đến công tác quản lý đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe. Trong đó nghiên cứu điều chỉnh thời gian đào tạo, hình thức đào tạo để phù hợp với tình hình thực tế.
Ví dụ, trước đây đào tạo lý thuyết đối với hạng từ B2 trở lên theo hình thức tập trung, thì nay đang nghiên cứu để làm sao kết hợp được giữa hình thức đào tạo tập trung kết hợp với đào tạo từ xa để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo và người học.
Về thực hành chúng tôi cũng đang xem xét điều chỉnh thời gian đào tạo trên đường, làm sao người học phải đảm bảo số km lái xe trên đường và học đủ các tình huống để có kỹ năng điều khiển phương tiện tốt nhất, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
PV: Để ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo Chỉ thị 05 của Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN đang triển khai những giải pháp gì?
Ông Lương Duyên Thống: Việc quản lý chặt chẽ công tác đạo tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe là công việc thường xuyên mà Bộ GTVT cũng như Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện. Chúng tôi thường xuyên có văn bản nhắc nhở các Sở GTVT trong quá trình thực hiện cũng như chấn chỉnh các cơ sở đào tạo và các trung tâm sát hạch. Trong thời gian vừa rồi để tiếp tục nâng cao và quản lý chặt chẽ hơn nữa Cục Đường bộ Việt Nam đã tập trung vào việc điều chỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý.
Ví dụ, đối với công tác đào tạo, chúng tôi sửa đổi phần mềm tiếp nhận và phân tích dữ liệu truyền về, để giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của các học viên, kịp thời phát hiện những hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai đến các Sở GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát việc theo dõi học viên học về pháp luật giao thông đường bộ tại các cơ sở đào tạo. Đổi mới nâng cấp phần mềm tiếp nhận hệ thống camera giám sát ở các trung tâm sát hạch, kịp thời phân tích, tổng hợp các dữ liệu nhằm phát hiện các biểu hiện tiêu cực trong quá trình sát hạch, nâng cao chất lượng.
Đối với giấy phép lái xe, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là dịch vụ công toàn trình đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay số lượng người dân đổi giấy phép lái xe qua hình thức dịch vụ công toàn trình trực tuyến tăng cao.
Nếu như ở thời điểm tháng 3/2023 mỗi ngày trên toàn quốc có khoảng 100 hồ sơ thì đến bây giờ có ngày lên tới 1.500 hồ sơ đổi thành công trên cổng dịch vụ công quốc gia. Khi ứng dụng dịch vụ công quốc gia trong đổi giấy phép lái xe đã giúp giảm việc tập trung đông người ở các Sở GTVT, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân./.
Hoàng Hà/VOVgiaothong.vn