Bạn trẻ và hội chứng overthinking

Bạn thường suy nghĩ về những điều bản thân không thể kiểm soát? Vậy có thể bạn đang mắc hội chứng Overthinking hay còn gọi là suy nghĩ quá mức.

 

Bạn thường suy nghĩ về những điều bản thân không thể kiểm soát như lo người khác đánh giá về bạn, lo lắng về quá khứ, về tương lai hay những biến cố có thể xảy ra? Vậy có thể bạn đang mắc hội chứng Overthinking hay còn gọi là suy nghĩ quá mức.

Th.S Phùng Năm, chuyên viên Tâm lý tại Hệ thống Giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm-Cầu Giấy sẽ giúp bạn “thanh lọc” não bộ và giải cứu bạn khỏi những suy nghĩ “ung thư” không lối thoát.

Bạn có thuộc tuýp overthinking?

Overthinking là tình trạng suy nghĩ và nghiền ngẫm quá mức về mọi thứ diễn ra xung quanh. Bạn liên tục đánh giá và cảm thấy không hài lòng, đau khổ với những suy nghĩ đó. Điều này lặp đi lặp lại nhiều đến mức chúng gây cản trở cho cuộc sống của bạn.

Th.s Phùng Năm, Hệ thống Giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy.

“Con overthinking, con nghĩ rất là nhiều”, đây là những chia sẻ của các em học sinh mà Th.s Phùng Năm thường xuyên nhận được. Có một số cách để một bạn trẻ nhận biết được mình có phải mắc hội chứng overthinking hay không. Thứ nhất, bạn chất vấn bản thân về những suy nghĩ của mình. Cho dù đó chỉ là những suy nghĩ thoáng qua nhưng bạn dành nhiều thời gian để xem xét nguồn gốc, lý do của những suy nghĩ đó và bạn thấy khó khăn trong việc kiểm soát suy nghĩ của bản thân.

Thứ hai, bạn thường hỏi tại sao mình lại có những suy nghĩ đó và bạn thường vật lộn với việc kiểm soát suy nghĩ của mình. Bạn khó tập trung vào hiện tại mà chỉ mải miết chạy theo những suy nghĩ ở trong đầu mình.

Overthinking ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn trẻ. Nó có thể khiến tinh thần bạn kiệt quệ. Những người suy nghĩ quá nhiều và quá mức còn có nguy cơ cao trong việc mắc các rối loạn về ăn uống, rối loạn giấc ngủ và thậm chí là sử dụng các chất kích thích hay trầm cảm.

Mạng xã hội khiến ngày càng có nhiều bạn trẻ overthinking

Theo Th.s Phùng Năm, có nhiều nguyên nhân khiến bạn trẻ overthinking. Đó có thể thuộc về kiểu hình thần kinh, kiểu hình khí chất hay tình hình sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý của cá nhân. Xã hội với nhiều biến động cũng khiến cho cá nhân dễ áp lực và bất an hơn trong hành trình xây dựng và hiện thực hóa năng lực của bản thân mình.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng đó chính là mạng xã hội. Sự phổ biến của mạng xã hội khiến người trẻ rất dễ dàng quan sát được cuộc sống của người khác mà thường là một cuộc sống rất lung linh. Từ đó, bạn trẻ có những so sánh với bản thân và dễ cảm thấy thất vọng hơn. Cũng chính bởi quan sát nhiều cuộc sống khác trên mạng xã hội, bạn trẻ cũng đặt ra những kỳ vọng cao, tiêu chuẩn cao hơn trong cuộc sống của mình. Khi không đạt được, sẽ dễ thấy cảm thấy thất vọng.

Một nguyên nhân tiếp theo, đó chính là áp lực đồng trang lứa. Với sự bùng nổ của Internet, các bạn trẻ có thể so sánh bản thân mình với bất kỳ ai ở trên mạng xã hội, so sánh với những thành công của họ. Chính vì vậy, áp lực về sự thành công sớm cũng khiến người trẻ dễ suy nghĩ nhiều hơn.

Hãy overthiking theo hướng tích cực.

Hãy trở thành người overthinking tích cực

Overthinking từ đó nhìn ra những vấn đề có thể gặp phải để ứng phó lại với nó. Đây là mặt tích cực của overthinking. Ví dụ bạn lo lắng rất nhiều về buổi thuyết trình sắp tới. Chính vì lo lắng nên bạn chuẩn bị kỹ hơn, cẩn thận hơn và đến sớm hơn.

Tuy nhiên để làm được điều đó, điều quan trọng nhất chính là sự tự tin vào bản thân, tin tưởng vào năng lực, giá trị mà mình đang có. “Mỗi người cần không ngừng nuôi dưỡng giá trị sống để trở thành người sống có giá trị riêng, biết tôn trọng bản thân và suy nghĩ hướng tới những điều tích cực”.

Còn nếu overthinking chỉ mang đến cho bạn sự mệt mỏi, không có giá trị gì, bạn cần “thanh lọc” não bộ. Theo Th.sỹ Phùng Năm, đây là một tiến trình rất dài.

Trước tiên, bạn cần phân tích nguyên nhân, yếu tố nào kích hoạt khiến bạn overthinking. Là dự tính vì tương lai, còn nuối tiếc quá khứ hay đang lo lắng về năng lực của bản thân? Từ đó bạn luyện tập để thay đổi hướng suy nghĩ. Điều này có nghĩa là bạn thử diễn giải tình huống theo một cách khác, những suy nghĩ tiêu cực đó có gì đáng tin cậy? Có dẫn chứng nào có thể phản bác lại điều đó hay không? Hãy luyện tập để hướng đến những sự tích cực mà bạn mong muốn.

Nếu như nhận thấy tình trạng quá khả năng tự xử lý, bạn hãy tìm sự giúp đỡ của những người tin cậy hoặc những chuyên gia.

“Luyện tập thể chất, kết nối với những mối quan hệ chất lượng, xây dựng những cảm xúc tích cực để từ đó trải nghiệm cuộc sống thực bên ngoài thay vì theo đuổi mãi những suy nghĩ trong đầu”, Th.sĩ Phùng Năm chia sẻ tới các bạn đang mắc hội chứng overthinking./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận