Thanh Hóa: Chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để giảm nghèo

Nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa đã rất chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững.

 

Xác định để giảm nghèo bền vững chính là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nên nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa đã rất chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững.

Xây dựng được hàng trăm mô hình…

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Thành Hóa, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 222 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 102 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 66 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương 283 triệu đồng, vốn đối ứng của hộ tham gia mô hình trên 35 tỷ đồng...

Theo đó, toàn tỉnh đã triển khai được 47 mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo 30a 16 mô hình tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 65 mô hình trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 và 94 mô hình trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, với hàng nghìn hộ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; trong đó ưu tiên hộ có chủ hộ là nữ, hộ là người dân tộc thiểu số được tham gia...

Thanh Hóa đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt cho hàng ngàn lượt người.

Các mô hình cũng xây dựng được cơ chế quy định hỗ trợ người dân mua cây, con giống khác khi gặp những rủi ro bất ngờ do lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Hoặc có biện pháp xử lý đối với hộ vi phạm quy chế của dự án. Hộ trong danh sách luân chuyển vốn trong chu kỳ tiếp theo tham gia với vai trò giám sát hộ đang thực hiện dự án... Việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ, ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì phát triển nguồn vốn được hỗ trợ.

Để phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt người. Theo đó, dự án đã giúp gần 8.000 người được tập huấn về kinh nghiệm phát triển sản xuất, cập nhật những kiến thức mới về khoa học - kỹ thuật cũng như kinh nghiệm phòng, chữa bệnh, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, từ đó ứng dụng để phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 9 nghìn người, tạo việc làm tăng thêm cho hơn 6 nghìn người, góp phần giúp cho 2.005 hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều hộ vươn lên là hộ khágiả, quay lại hỗ trợ nhiều hộ nghèo khác.

Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa Trần Văn Hùng cho biết, thành công lớn nhất của các dự án giảm nghèo là thực hiện việc góp vốn đối ứng. Qua đó, góp phần thay đổi ý thức của hộ nghèo, giúp họ tự lực vươn lên làm kinh tế.

Bên cạnh đó, dự án còn thành công ở việc luân chuyển nguồn vốn (dưới dạng tiền hoặc hiện vật) để tiếp tục nhân rộng hoặc triển khai mô hình giảm nghèo ở các địa bàn khác qua đó giúp nhiều người nghèo được tiếp cận với các mô hình.

Để trao “cần câu” cho người dân thoát nghèo

Tại huyện Quan Hóa, để đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó huyện triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, như: Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo...

Đến nay trên địa bàn huyện đã có 1 xã và 36 bản về đích NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,63 triệu đồng/năm. Thông qua các chương trình, dự án đã giúp cho nhiều hộ gia đình có vốn sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình ông Vi Văn Quý ở bản Dôi, xã Thiên Phủ; gia đình ông Lò Khăm Xiêm ở bản Poong 1, xã Hiền Kiệt; gia đình ông Lương Văn Bình ở bản Chiềng, xã Phú Sơn...

Bản Lửa, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa là bản đặc biệt khó khăn, người dân ít nương rẫy, bà con sống sát vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nên không có nguồn sinh kế. Dù chỉ có 144 nhân khẩu, thế nhưng nhưng có đến 50% số hộ là người nghèo.

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập chính là hướng đi đúng để giảm nghèo bền vững, thời gian qua, chính quyền địa phương đã xây dựng mô hình kinh tế nuôi ong lấy mật và nuôi dúi cho 30 hộ dân để giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Nhờ đó, đã có hàng chục hộ dân thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ kinh tế khá giả. Là một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình, sau 2 năm được hỗ trợ vay vốn để nuôi ong lấy mật, kết hợp nuôi dúi nay mô hình kinh tế, gia đình anh Nguyễn Văn Nam (45 tuổi) đã phát triển ổn định, cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn thu nhập này mà gia đình anh Nam đã thoát hộ nghèo. Anh dự tính vay thêm vốn từ ngân hàng chính sách để mở rộng đàn ong, nuôi thêm dúi.

Nhiều mô hình hỗ trợ cho người dân để nâng cao thu nhập qua các loại hình dịch vụ, phát huy thế mạnh của từng vùng.

Năm 2023, còn 3,49% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều…

Báo cáo số 224/BC-UBND ngày 4/10/2023 của tỉnh Thanh Hóa về việc đánh giá giữa nhiệm kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 cho biết: năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79%; từ 6,77% xuống còn 4,99% (giảm 17.791 hộ; từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ). Ước năm 2023 giảm còn 3,49% vượt mục tiêu do Trung ương, tỉnh đề ra (mục tiêu đề ra giảm 1,5%/năm).

Nếu năm 2021, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,69%; từ 2,2% xuống còn 1,51% (giảm 6.798 hộ; từ 21.923 hộ xuống còn 15.125 hộ) thì năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79%. Từ 6,77% xuống còn 4,99% (giảm 17.791 hộ; từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ). Dự báo đến năm 2025 mặc dù sẽ gặp những khó khăn, thách thức nhưng mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm là 1,5% sẽ đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Du lịch cộng đồng giúp xóa đói giảm nghèo ở Bá Thước.

Ngoài ra, về kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể khác của Chương trình, Thanh Hóa cũng đã đạt được 1 số kết quả, như: 100% huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, gồm 6 huyện nghèo, 2 xã bãi ngang ven biển và hải đảo (riêng xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn chưa được đầu tư do vướng quy hoạch phân khu, Khu kinh tế Nghi Sơn).

Khoảng 50% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, đạt kế hoạch đề ra. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm…

Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025 của tỉnh giảm còn 4,99%, ước tính đến hết năm 2023, giảm còn 3,49%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Có thể thấy, đây là kết quả rất đáng ghi nhận của hệ thống chính trị, nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận