100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế: Mục tiêu và thách thức?

  • 20/12/2023 09:00:00
  • VOV Giaothong.vn
  • Xã hội
  • 0

Chính phủ mới phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ mồ côi giai đoạn 2023 - 2030...

 

Nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự tán thành và kỳ vọng lớn, tuy nhiên, cũng cần hết sức lưu ý khi triển khai, nếu không mục tiêu trên có thể sẽ quá sức.

Đó là trăn trở của bà Nguyễn Thị Y Duyên - Chuyên gia bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF khi trao đổi với PV VOV Giao thông.

PV: Bà kỳ vọng gì sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc Sức khỏe Tâm thần Trẻ em, Chăm sóc Trẻ em Mồ côi giai đoạn 2023-2030, trong đó đặt nhiều mục tiêu lớn về chăm sóc trẻ em?

Bà Nguyễn Thị Y Duyên: Chúng tôi cảm thấy rất vui vì quyết định được ban hành và hướng đến 2 nhóm đối tượng yếu thế của trẻ em. Chúng tôi rất mong đợi chương trình sẽ được thực hiện tốt trên tất cả tỉnh, thành toàn quốc, để trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ nhận được những hỗ trợ và dịch vụ phù hợp.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn chương trình này không chỉ đáp ứng việc cung cấp những dịch vụ hỗ trợ chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi (đã và đang được chăm sóc tại gia đình và cộng đồng, hoặc đã, đang được chăm sóc tại những cơ sở chăm sóc tập trung hoặc trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm trợ giúp xã hội), các em sẽ nhận được trợ giúp kịp thời.

Bên cạnh đó chúng tôi còn mong muốn những trẻ em đang không được nhận những chăm sóc thay thế phù hợp thì các em sẽ nhận được những sự hỗ trợ kịp thời.

PV: Những con số thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong chăm sóc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là sau dịch COVID-19, như 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế, 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ… Là chuyên gia của tổ chức độc lập, dưới góc nhìn của bà, mục tiêu trên liệu có quá sức? Những khó khăn nào sẽ ảnh hưởng đến quá trình triển khai Chương trình nêu trên?

Bà Nguyễn Thị Y Duyên: Mục tiêu của chương trình này tương đối tham vọng, và để phấn đấu được con số 80% hay 100% đối tượng của chương trình thì chúng tôi thực sự thấy rằng đó là một thách thức, nếu chúng ta không có giải pháp.

Chúng tôi thấy có những vấn đề, ví dụ chúng tôi không thấy đề cập đến việc mở rộng nguồn nhân lực cho công tác này. Mặc dù có giải pháp về đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhưng nếu chúng ta không có thêm nguồn nhân lực mà chỉ yêu cầu bổ sung nhiệm vụ cho nguồn nhân lực vốn đã quá tải. Sẽ thật khó có thể nói rằng một người được giao cho rất nhiều nhiệm vụ có thể hoàn thành tốt.

Bên cạnh đó, liên quan đến kinh phí là quy định về ngân sách hiện nay, thì chúng tôi chưa nhìn thấy hy vọng sẽ có được nguồn kinh phí dồi dào để đạt được mục tiêu tham vọng nêu trên.

Về tổ chức thực hiện, chúng tôi cũng thấy thiếu phần đề cập là Bộ LĐTBXH cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội, mà hiện nay ta cũng chưa có nguồn nhân lực công tác xã hội ở các địa phương.

Trong giải pháp truyền thông, chúng tôi cũng mong muốn trong những chiến lược truyền thông sau này sẽ được triển khai để xã hội nhìn nhận vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng là vấn đề tương tự sức khỏe thể chất.

Hiện nay chúng tôi biết là Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược quốc gia tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần và rất mong chiến lược quốc gia này sớm được phê duyệt, sẽ hỗ trợ cho việc triển khai Quyết định 1591 này.

100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế, 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ...

PV: Theo kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể làm gì để chương trình nói trên đạt hiệu quả cao nhất?

Bà Nguyễn Thị Y Duyên: Các quốc gia trên thế giới và UNICEF khuyến khích những mô hình chăm sóc trẻ em mồ côi tại cộng đồng và chỉ đưa trẻ em mồ côi chăm sóc tạm thời tại các cơ sở trợ giúp xã hội, và cần có những quy định rõ ràng về bảo vệ trẻ em.

Những mô hình chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng ở Việt Nam chúng ta cũng đã thực hiện rất nhiều rồi, tuy nhiên Việt Nam đang thiếu so với quốc tế về những quy trình, trách nhiệm, các bên phối hợp với nhau ra sao, nhưng ở nước ngoài, người đánh giá đầu tiên là cán bộ bảo vệ trẻ em.

Cán bộ này được đào tạo bài bản, có nhiệm vụ đánh giá nhu cầu toàn diện của các em và lên kế hoạch hỗ trợ các em. Khi có kế hoạch hỗ trợ thì có sự phối hợp liên ngành, đa chuyên môn.

Và mô hình chăm sóc, nhận nuôi trẻ em tại gia đình đã đang được thực hiện bởi các nước trên thế giới, người ta giảm thiểu việc đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội. Vì nghiên cứu cho thấy trẻ em được nuôi dưỡng ở những cơ sở chính sách xã hội sẽ có sự phát triển kém hơn rất nhiều so với trẻ em lớn lên trong môi trường gia đình.

Đấy cũng là thông điệp mà UNICEF Việt Nam nói riêng và UNICEF nói chung khuyến khích các Chính phủ cải tổ hệ thống chăm sóc thay thế cho trẻ em.”

PV: Xin cảm ơn bà!

Xuân Tú/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận