Cứu kịp thời nữ sinh suýt đột tử khi đang tập văn nghệ

Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) vừa cứu sống kịp thời một nữ sinh suýt đột tử khi đang tập văn nghệ, gọi là hội chứng QT dài.

 

Trước đó, một nữ sinh cấp 3 khi đang tập văn nghệ ở trường, bất ngờ hoa mắt, chóng mặt và té, sau đó ngưng tim, được bạn bè nhồi tim rồi đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn. Các bác sĩ đánh giá nếu chậm trễ một thời gian ngắn đã rơi vào chết não, không cứu được. Với kết quả điện tim ghi nhận bệnh nhân mắc hội chứng QT dài. Người bệnh được chuyển từ Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc sang Khoa Nhịp tim điều trị. Sau khi hạ thân nhiệt kịp thời giúp đông lạnh các tế bào trong cơ thể (còn gọi ngủ đông), giảm được sự chuyển hóa, bảo vệ não, bệnh nhân dần hồi phục.

Theo các bác sĩ, hội chứng QT dài thường gây rối loạn nhịp nguy hiểm như nhanh thất, xoắn đỉnh, dễ dẫn đến đột tử. Hội chứng này có thể là bẩm sinh (liên quan đến gene) hoặc mắc phải (có thể do rối loạn điện giải hoặc do dùng một số thuốc như thuốc điều trị rối loạn nhịp, thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc hướng thần...).

Chỉ chậm trễ một thời gian nữa, bệnh nhân có thể chết não, không thể cứu chữa. (Ảnh C.P)

Các biểu hiện triệu chứng đa dạng từ không triệu chứng đến đột tử. Triệu chứng thường gặp là hồi hộp, đánh trống ngực, hoa mắt, ngất. Đôi khi bệnh nhân co giật, bị chẩn đoán nhầm là động kinh.

Bệnh nhân cho biết do thể trạng gầy ốm nên gần đây sử dụng thực phẩm chức năng để tăng cân. Sau một thời gian ngưng thuốc này theo đề nghị của bác sĩ, tái khám ghi nhận QT của bệnh nhân ngắn dần rồi trở về bình thường.

TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết hơn một tháng qua, liên tiếp 4 bệnh nhân hội chứng QT dài vào cấp cứu. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân sử dụng thuốc. Trong đó, hai bệnh nhân dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp, một trường hợp dùng thuốc methadone để cai nghiện.

“Có nhiều phương pháp phòng ngừa, trong đó thì đo điện tim là một trong những vũ khí để mình phát hiện ra. Có thể đo điện tim một lúc, hoặc có thể kéo dài. Có những trường trường hợp phải cho bệnh nhân đeo máy theo dõi điện tim 24 tiếng hoặc là mình hỏi bệnh nhân về những triệu chứng. Thứ hai là một số thuốc mà chúng ta biết là có tác dụng phụ khi mình tiến hành điều trị cho bệnh nhân”, TS.BS Trương Quang Khanh cho biết. 

Kim Dung/VOV-TP.HCM

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận