Thông tin được đưa ra tại buổi công bố kết quả chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức chiều 12/3. Đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.
Bộ chỉ số đưa ra "thước đo" điểm yếu, mạnh về đổi mới sáng tạo ở địa phương
Phát biểu tại buổi công bố, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ năm 2017, Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (gọi tắt là GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hằng năm đã được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Ở cấp độ địa phương, tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30/1/2022, Chính phủ đã phân công Bộ Khoa học và Công nghệ “chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; tổ chức đánh giá thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, đồng bộ với Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&CN đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các cơ quan liên quan triển khai xây dựng bộ chỉ số và tổ chức triển khai thử nghiệm thành công tại 20 địa phương trong năm 2022.
Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2022, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ “chính thức triển khai Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023”. Thực hiện nhiệm vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 và đã tổ chức triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá đây là tài liệu hữu ích, cung cấp các căn cứ khoa học, thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng, thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư và điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương.
Trong những năm tới, Bộ KH&CN mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và các tổ chức quốc tế để bộ tiếp tục hoàn thiện và triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hằng năm như được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Bộ chỉ số được xây dựng nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Qua đó, cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng, các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Hà Nội đứng đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo
Theo kết quả được công bố tại sự kiện, 10 địa phương đạt chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất cả nước (theo thứ tự từ cao đến thấp) gồm: Thủ đô Hà Nội (62,86), Thành phố Hồ Chí Minh (55,85), Hải Phòng (52,32), Đà Nẵng (50,70), Cần Thơ (49,66), Bắc Ninh (49,20), Bà Rịa - Vũng Tàu (49,18), Bình Dương (48,64), Quảng Ninh (48,03), Thái Nguyên (47,75).
Dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo là Thủ đô Hà Nội đứng thứ nhất trong 14/52 chỉ số được đánh giá. Nhiều chỉ số có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đổi mới sáng tạo như: Vốn con người, nghiên cứu và phát triển (63,06); trình độ phát triển của thị trường (77,81); sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ (63,16)…
Kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII 2023 với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển, có hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Ngược lại, thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội (tập trung ở các vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc).
Theo VOV.VN