Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương. Tỉnh Quảng Nam có gần 630.000 héc ta rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được khoảng 1 triệu tấn carbon. Đề án thí điểm bán tín chỉ carbon sẽ giúp tăng 20% diện tích rừng tự nhiên trong 10 năm tới, nâng độ che phủ lên 61% vào 2025, phục hồi và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu mét khối gỗ và giảm phát thải 14 triệu tấn CO2 vào 2030.
Ông Hà Phước Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam kỳ vọng triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng có thể thu về 130 tỷ đồng mỗi năm, nhưng khi triển khai thì gặp vướng mắc về pháp lý, lựa chọn đơn vị tư vấn.
“Hồ sơ bán tín chỉ carbon rừng ra thị trường thì phải được thẩm định của các tổ chức quốc tế xem xét và chấp nhận. Hồ sơ mà tỉnh Quảng Nam xây dựng gửi đi từ năm 2018-2019. Và qua thẩm định, đến năm 2020 thì theo các tổ chức thẩm định, tiêu chuẩn có sự thay đổi và hồ sơ phải điều chỉnh để phù hợp với bộ tiêu chuẩn mới”, ông Hà Phước Phú nói.
Bán tín chỉ carbon rừng được hiểu là bán không khí, một khái niệm mới nên hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Năm 2018, tỉnh Quảng Nam đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế nhưng hồ sơ thẩm định chưa hoàn thiện, chưa chọn được đối tác tư vấn.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam được Chính phủ chọn triển khai thí điểm bán tín chỉ carbon trên thị trường tự do nhưng đến nay vẫn chưa chính thức triển khai được.
“Vướng vì không chỉ định được mà phải đấu thầu. Chúng tôi cũng xin cho chỉ định một đơn vị tư vấn luôn nhưng đang vướng chỗ đó. Hiện nay chúng tôi cũng tích cực bám Trung ương để làm việc này. Tỉnh Quảng Nam sẽ tích cực bảo vệ rừng và tin tưởng đến khi bán được tín chỉ carbon thì mỗi năm thu về hơn 100 tỷ đồng. Khi bán được sẽ đem tiền này phát triển rừng chứ không làm việc khác”, ông Hồ Quang Bửu nói.
Long Phi/VOV-Miền Trung