Chủ động tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu

Bộ Y tế ban hành văn bản số 1757/BYT-QLD ngày 7/4/2024 gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… để triển khai việc xuất khẩu tinh dầu quế.

 

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp rà soát khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu theo Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lào Cai, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Hiệp hội Tinh dầu hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh Lào Cai đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu tinh dầu quế cho các doanh nghiệp, Bộ Y tế ban hành Công văn số 1371/BYT-QLD ngày 22/3/2024 gửi UBND tỉnh Lào Cai và các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp.Đồng thời Bộ Y tế cũng ban hành văn bản số 1757/BYT-QLD ngày 7/4/2024 gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Hiệp hội Tinh dầu hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam để triển khai trên toàn quốc việc xuất khẩu tinh dầu quế.

Theo đại diện Tổng cục Hải quan: Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ xuất khẩu tinh dầu quế.

Theo đó, tại Công văn số 1584/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan tỉnh Lào Cai ngày 12/4/2024 về việc xuất khẩu tinh dầu quế, Tổng cục Hải quan nêu rõ: Trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định pháp luật dược; Trường hợp doanh nghiệp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định.

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết khó khăn của tỉnh Lào Cai liên quan đến việc xuất khẩu tinh dầu quế đã được tháo gỡ.

Đại diện các đơn vị tham gia họp đã chia sẻ, trao đổi và thảo luận xung quanh nội dung liên quan đến xuất khẩu dược liệu cũng như Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021 của Bộ Y tế bãi bỏ một phần quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo quy định Điều 2, Thông tư 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021 của Bộ Y tế đã nêu rõ: “Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược”.

Tại cuộc họp cơ bản các đại biểu đều thống nhất các nội dung Thông tư số 48/2018/TT-BYT và Thông tư số 03/2021/TT-BYT không phải là nguyên nhân khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu, tinh dầu dược liệu. Tuy nhiên trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, vì người dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ rà soát kỹ lại các nội dung của hai Thông tư nêu trên. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh trong quá trình triển khai, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội chủ động trao đổi với Bộ Y tế để cùng tháo gỡ khó khăn, thống nhất trong thực hiện./.

PV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận