Bài 4: Lan tỏa tính tiên phong của Đảng viên

  • 13/06/2024 12:29:28
  • Ngọc Hải
  • Xã hội
  • 0

Bá Thước sẽ thoát nghèo vào năm 2025. Để mục tiêu này thành hiện thực, huyện Bá Thước phát huy vai trò tiên phong của các tổ chức đảng trong giảm nghèo bền vững; đồng thời chủ trương lan tỏa thành phong trào đảng viên giúp dân thoát nghèo.

 

Bài 1: Vai trò nòng cốt của Đảng trong xóa đói giảm nghèoBài 2: Thay đổi nếp nghĩ, cách làmBài 3: Cấp ủy, người đứng đầu trong hoạt động tín dụng chính sách

Tổ chức Đảng bám thôn, đảng viên bám dân

Những năm qua, việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”, Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII cùng với nhiều giải pháp đồng bộ đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Bá Thước phát triển du lịch cộng đồng thu hút du khách nước ngoài ngày một ra tăng

Và xã Ái Thượng được xem là một minh chứng cho kết quả ấy, một điển hình thành công trong công tác thoát nghèo của huyện Bá Thước. Sự cố gắng vượt bậc, chỉ đạo sát sao, tinh thần “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” của đội ngũ lãnh đạo; tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên, và tinh thần tự lực cánh sinh của người dân đã tạo nên kết quả tích cực trong công tác thoát nghèo của Ái Thượng - vốn là xã 135 với 80% là dân tộc thiểu số.

Từ thành công của Ái Thượng, huyện Bá Thước chủ trương lantỏa phong trào đảng viên giúp dân thoát nghèo ra toàn huyện với phương châm: Giúp dân thoát nghèo, đảng viên không thể đứng ngoài cuộc. Tinh thần này luôn luôn được nhấn mạnh, khắc sâu trong mỗi cuộc họp Chi bộ. Bởi vậy, các đảng viên đều ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình khi Chi bộ phân công giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Đảng trong công tác giảm nghèo, ông Lương Văn Tư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ban Công, huyện Bá Thước, cho biết: “Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ ở ở cấp vĩ mô, mà còn thể hiện ở từng công việc cụ thể. Đảng bộ xã Ban Công có 13 chi bộ trực thuộc với 325 đảng viên. Hằng năm, căn cứ vào nghị quyết lãnh đạo về công tác giảm nghèo, cấp ủy cùng UBND, MTTQ các đoàn thể chỉ đạo các chi ủy, chi bộ trong toàn xã xây dựng kế hoạch để tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt các hộ nghèo, hộ cận nghèo nỗ lực phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Cùng với đó, phân công các đồng chí trong Ban chỉ đạo giảm nghèo xã cùng Chi bộ rà soát các hộ nghèo, cận nghèo để lập danh sách đề nghị cấp trên hỗ trợ vay vốn, giống cây trồng, vật nuôi và nhà ở cho các hộ khó khăn; phân công các đảng viên trong từng chi bộ theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động phát triển sản xuất, kinh tế, thoát nghèo bền vững. Nhờ những việc làm cụ thể này của các tổ chức Đảng nên từ năm 2023 đến nay, xã Ban Công đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 241 hộ nghèo xuống còn 162/1.704 hộ, chiếm 9,52%”, ông Lương Văn Tư cho biết.

“Chúng tôi xây dựng phong trào trong toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là chung tay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó phát huy tinh thần trách nhiệm của cấp ủy các cấp và đảng viên trong nhiệm vụ hỗ trợ các gia đình thoát nghèo bền vững, góp phần cùng cả nước giảm tỷ lệ hộ nghèo”.

Ông Lương Văn Tư, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Ban Công, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Là xã có lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, Đảng ủy xã Thành Lâm xác định đây chính là đòn bẩy giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, thoát nghèo bền vững của địa phương. Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo gắn việc xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2021, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch xã Thành Lâm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, xã có 27 cơ sở lưu trú, homestay, tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động địa phương; hơn 100 hộ được hưởng lợi gián tiếp từ việc tham gia chăn nuôi, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm và các dịch vụ khác cung cấp cho các nhà hàng, phục vụ khách du lịch; thu nhập của người dân ngày một tăng, nhiều hộ gia đình làm du lịch có thu nhập trung bình từ 30 đến 40 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm: Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo là 40,92%, năm 2022 là 31,21%, năm 2023 giảm còn 27,42%.

Phát triển du lịch cộng đồng là đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo - Ông Bùi Hải Đường, Bí thu Đảng ủy xã Thành Lâm

Ông Bùi Hải Đường, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm cho biết: “Có được kết quả ấy là bởi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy đến người dân Thành Lâm. Đảng ủy đã kịp thời chỉ đạo triển khai các dự án, tiểu dự án hỗ trợ giảm nghèo đúng đối tượng; vận động nhân dân đoàn kết “chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ðảng ủy xã phân công cho các đảng ủy viên trực tiếp theo dõi, phụ trách từng chi bộ thôn, nắm sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng ủy chỉ đạo công tác giảm nghèo”.

“Đảng ủy xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng chi bộ, cán bộ, đảng viên đối với công tác giảm nghèo, từ đó tạo sự thống nhất cao về quan điểm. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, mỗi đảng viên là một tấm gương vượt khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Các chi bộ thôn quan tâm, chỉ đạo công tác giảm nghèo, phát huy vai trò các tổ chức hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau trong việc giảm nghèo”.

 Ông Bùi Hải Đường - Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm

Câu chuyện giảm nghèo ​​và những điều còn trăn trở

Thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước, đảng viên không thể đứng ngoài cuộc, đồng thời xác định việc giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, Chi bộ thôn Nghìa, xã Thành Lâm đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên kèm cặp, giúp đỡ một hộ nghèo; Tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đến người dân. “Nhờ vậy, Chi bộ thôn Nghìa đã giúp được 8/25 hộ thoát nghèo.Tới đây, Chi bộ sẽ họp rút kinh nghiệm trong việc tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên giúp đỡ hộ nghèo trong thời gian qua. Từ đó tiếp tục có kế hoạch cụ thể, giao cho những Đảng viên có năng lực, kinh nghiệm và nhiệt tình để tiếp tục giúp đỡ hộ nghèo còn lại”, ông Hà Xuân Thủy, Bí thư Chi bộ thôn Nghìa cho hay.

Cùng quyết tâm thoát nghèo, Chi bộ thôn Tân Thành (xã Thành Lâm) với 26 đảng viên cũng chung tay vận động quần chúng nhân dân làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Ông Hà Văn Cui, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thành cho biết: “Trong cuộc họp chi bộ, chúng tôi phân công từng tổ chức như Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Chi hội Phụ nữ và đảng viên chịu trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo. Đến nay, Chi bộ thôn đã giúp được 11 hộ thoát nghèo. Hiện thôn Tân Thành còn 15 hộ nghèo, Chi bộ thôn đã phân công cho các đảng viên trong chi bộ phải hướng dẫn, tư vấn, giúp các hộ đó thoát nghèo trong năm 2025”.

Tại thôn Tân Thành, những hộ nghèo được Huyện ủy và Đảng ủy xã hỗ trợ 100% con giống như gà, vịt, trâu, bò… Dẫn trường hợp hộ ông Ngân Văn Thêu nhờ được hỗ trợ trâu và lợn giống, được chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi nên năm 2023 đã thoát nghèo, ông Hà Văn Cui chia sẻ: “Với sự nỗ lực cố gắng của cả Chi bộ và từng hộ dân, đến nay, thôn Tân Thành chỉ còn 15 hộ nghèo. Năm 2023, số hộ nghèo là 32. Các đảng viên nhiệt tình hỗ trợ các hộ nghèo, nhưng người dân cũng rất có ý thức tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo”.

Câu chuyện thoát nghèo ở Bá Thước đang trên đà thuận lợi với những kết quả khả quan, nhưng đâu đó vẫn còn những gam màu trầm, như một Bí thư Đảng ủy xã đã chia sẻ: “Chúng tôi tự thấy mình làm công tác thoát nghèo chưa được tốt lắm. Hiện giờ, chúng tôi đang ráo riết triển khai việc hỗ trợ xây nhà ở cho những hộ nghèo. Các đảng viên trong Đảng ủy, Chi bộ đang tích cực rà soát, kiểm kê, không để hộ nghèo, cận nghèo nào cần xây dựng, sửa chữa lại nhà ở mà không được vào danh sách hỗ trợ”.Với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận những điểm còn yếu kém, những bất cập chưa giải quyết được của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, những điểm bất cập đó ở Bá Thước sẽ sớm được khắc phục.

Hiện thực hóa mục tiêu thoát nghèo năm 2025

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Bá Thước ra khỏi danh sách huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh, hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo sát sao các địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo. Mục tiêu giảm nghèo được đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lồng ghép với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ năm 2019 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo của 2 chương trình trên là 24,654 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện hơn 100 mô hình, dự án với 2.898 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia.

“Đảng đóng vai trò nòng cốt trong công tác chỉ đạo thực hiện giảm nghèo. Kết quả công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện cho thấy, khi có sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy Đảng, coi giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, thì công tác giảm nghèo sẽ đạt được kết quả khả quan”- Ông Mai Hữu Phúc, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước

Ông Mai Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước nhấn mạnh: “Đảng đóng vai trò nòng cốt trong công tác chỉ đạo thực hiện giảm nghèo. Kết quả công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện cho thấy, khi có sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy Đảng, coi giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, thì công tác giảm nghèo sẽ đạt được kết quả khả quan”.

“Các nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Huyện ủy trong nhiệm kỳ đều hướng tới mục tiêu chung nhất là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đưa huyện thoát nghèo vào năm 2025. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, UBND huyện đã xây dựng, ban hành một số chương trình, đề án liên quan đến phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như: Đề án phát triển cây con, vật nuôi có lợi thế, Đề án phát triển du lịch cộng đồng… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2022 giảm 1.429 hộ nghèo, đạt 5,59%; năm 2023 giảm 1.636 hộ, đạt 6,28%” - ông Phúc cho biết.

“Chúng tôi phân công cấp ủy viên phụ trách, theo dõi các địa bàn; phân công đảng viên tuyên truyền, giúp đỡ hộ nghèo tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, khắc phục tính trông chờ, ỷ lại. Với một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là giảm nghèo bền vững, đảng viên không thể đứng ngoài cuộc”.

Ông Mai Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước

Trước một số khó khăn, tồn tại trên con đường thoát nghèo như: Một bộ phận người dân chưa thật sự nỗ lực vươn lên, nguồn lực hạn chế, một vài chương trình, dự án thực hiện thiếu hiệu quả,...huyện Bá Thước đang chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững. “Chúng tôi đã phân công cấp ủy viên phụ trách, theo dõi các địa bàn; phân công đảng viên tuyên truyền, giúp đỡ hộ nghèo tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, khắc phục tính trông chờ, ỷ lại. Với một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là giảm nghèo bền vững thì đảng viên không thể đứng ngoài cuộc”, ông Mai Hữu Phúc khẳng định.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận