Sáng 28/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), với tỷ lệ tán thành cao.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) chia sẻ, ông là người may mắn tham gia vào quá trình xây dựng Quy hoạch Thủ đô. Ông nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tỉnh nhưng không phải như quy hoạch các tỉnh khác chỉ cho một địa phương.
“Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch cho Thủ đô cả nước nên phải mang các yếu tố hội tụ, đại diện cho sự phát triển của cả nước.
Quy hoạch này rất được quan tâm và được tham gia bởi hàng trăm nhà khoa học trên cả nước, nhiều chuyên gia lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đại biểu suy nghĩ làm thế nào để quy hoạch được xây dựng lên sẽ được triển khai, thực hiện theo các nội dung đã được chỉ ra”, ông Cường cho biết.
Theo đại biểu, cần có 3 vấn đề cần quan tâm: Giải quyết nút thắt lớn nhất của Thủ đô về giao thông, trong đó có trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách khỏi hệ thống nước mưa, xây dựng khu vực xử lý nước thải cục bộ, tập trung và cuối cùng là cần có chơ chế hỗ trợ cho người dân khu vực phố cổ để cải tạo, chỉnh trang lại khu vực nội đô lịch sử.
“Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có cơ chế, quy định để thu hút được những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, để tạo ra hình ảnh đại diện cho cả nước. Dự Luật cơ bản đã hoàn thiện tốt, đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội, phải thực hiện các sứ mệnh để tạo ra bước phát triển bứt phá vượt trội”, ông Cường kỳ vọng.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, của việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế cho Thủ đô "cất cánh".
Ông Ngân cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có kế thừa tinh hoa của Luật Thủ đô trước đây, cập nhật, bổ sung, tăng cường thêm phân cấp phân quyền cho lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Hà Nội là Thủ đô của đất nước có lịch sử nghìn năm văn hiến, là nơi giữ hồn thiêng núi sông của dân tộc Việt Nam. Luật Thủ đô sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn những nét đẹp, hồn thiêng của đất nước, vừa mở rộng không gian phát triển.
“Đặc biệt, Luật Thủ đô sửa đổi đã tạo điều kiện cho Thủ đô đẩy mạnh phân cấp phân quyền để Thủ đô phát triển không gian ra vùng Thủ đô, từ khu vực trung tâm có điều kiện phát triển thêm 4-5 khu vực đô thị vệ tinh. Cùng với phát triển, Thủ đô vẫn giữ được nét đẹp cảnh quan, thu hút du khách quốc tế”, ông Ngân nói. “Quan trọng hơn là Luật Thủ đô sửa đổi đã đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đô thị, để đảm bảo được an ninh, an toàn của quốc gia, vì Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, thường xuyên đón tiếp chính khách, du khách quốc tế”.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng Luật Thủ đô là cơ hội thúc đẩy phát triển, giữ gìn văn hoá Thủ đô.
Theo ông Sơn, Nghị quyết 09 của Thành uỷ Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá sẽ trở thành thực tiễn, giúp các chủ trương liên quan đến phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội thực hiện tốt hơn.
"Luật Thủ đô sửa đổi tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội, mà còn cho cả nước, vì Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước", ông Sơn nói.
Ông Sơn phân tích, điểm tích cực trong Luật Thủ đô lần này là những quy định về văn hoá.
"Hà Nội luôn luôn tự hào là Thủ đô văn hoá, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hoá của đất nước, những điều khoản tạo điều kiện cho phát triển văn hoá Thủ đô cũng sẽ tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hoá đất nước. Trong Luật Thủ đô sửa đổi có nhiều quy định liên quan văn hoá như: Quy định về khu vực cho công nghiệp văn hoá, không gian sáng tạo, tháo gỡ vướng mắc trong luật PPP hay quản lý sử dụng tài sản công, từ đó tạo ra những thuận lợi cho các lĩnh vực văn hoá phát triển", ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất trách nhiệm. Quốc hội thông qua Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, kỳ vọng Hà Nội sẽ bước sang "kỷ nguyên mới".
“Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt. Vì Thủ đô không phải riêng của Hà Nội dự án Luật sửa đổi lần này sẽ tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh, cũng như tạo động lực phát triển cho cả nước”, đại biểu Trương Xuân Cừ chia sẻ.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, để đạt được mục tiêu này thì các chính sách phải mang tính chất đột phá, đặc thù, khi đó Thủ đô phát triển sẽ không gặp phải rào cản về thủ tục hành chính. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa giúp đảm bảo Hà Nội phát triển đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn mang tính chất đặc thù riêng.
“Tôi hy vọng sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, khi đó cơ hội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững là rất khả thi”, đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ.
Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự Luật với những chính sách phù hợp được kỳ vọng tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển, góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển vùng Thủ đô.
Luật Thủ đô sửa đổi tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội, mà còn cho cả nước, vì Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước.
Điểm tích cực trong Luật Thủ đô lần này là những quy định về văn hoá. Hà Nội luôn luôn tự hào là Thủ đô văn hoá, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hoá của đất nước, những điều khoản tạo điều kiện cho phát triển văn hoá Thủ đô cũng sẽ tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hoá đất nước. Trong Luật Thủ đô sửa đổi có nhiều quy định liên quan văn hoá như: Quy định về khu vực cho công nghiệp văn hoá, không gian sáng tạo, tháo gỡ vướng mắc trong luật PPP hay quản lý sử dụng tài sản công, từ đó tạo ra những thuận lợi cho các lĩnh vực văn hoá phát triển.
|
Phi Long/VOV.VN