Vì sao Bộ TN&MT bác đề xuất thăm dò titan tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên?

Bộ Tài nguyên và Môi trường bác đề nghị thăm dò titan của Công ty cổ phần Ban Tích (quận Ba Đình, Hà Nội).

 

Do không đủ điều kiện tiếp nhận nên đề nghị thăm dò titan khu vực Làng Cam 1 thuộc các xã Động Đạt, Phủ Lý (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) của Công ty cổ phần Ban Tích (quận Ba Đình, Hà Nội) bị Bộ Tài nguyên và Môi trường bác.

Mới đây, hồ sơ đề xuất thăm dò titan khu vực Làng Cam 1 thuộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên của Công ty cổ phần Ban Tích (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) bị Cục Khoáng sản Việt Nam bác bỏ. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định đề nghị thăm dò titan khu vực Làng Cam 1 thuộc các xã Động Đạt, Phủ Lý (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) của Công ty cổ phần Ban Tích (quận Ba Đình, Hà Nội) "không đủ điều kiện tiếp nhận".

Ông Nguyễn Trường Giang - Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam.

Cụ thể, đối chiếu với Quyết định số 866/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ của doanh nghiệp này không đáp ứng yêu cầu. Theo đó, với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan với lộ trình và quy mô hợp lý phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyển, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng. Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư khai thác, chế biến titan đồng bộ với các sản phẩm chế biến sâu (pigment, dioxit titan, titan kim loại, zircon cao cấp, monazit...).

Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, về định hướng công nghệ, Quyết định số 866 của Thủ tướng nêu rõ đối với khoáng sản bô-xít Tây Nguyên, titan, đất hiếm, crômit Thanh Hóa, apatit Lào Cai, titan Bình Thuận, niken Sơn La, đồng - vàng, các mỏ/cụm mỏ khoáng sản khác có quy mô lớn như mỏ sắt Thạch Khê, mỏ đồng tỉnh Lào Cai... phải hình thành tổ hợp khai thác gắn với chế biến, áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Đối với các khoáng sản như bô-xít, titan, crômit... chỉ cấp phép khai thác khoáng sản khi doanh nghiệp đầu tư dự án chế biến sâu gắn trực tiếp với mỏ./.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận