Cần xây dựng quy chế phối hợp với địa phương về vận hành, khai thác và cập nhật hệ thống dữ liệu sạt lở đất, lũ quét. Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường tiếp cận thông tin dự báo, cảnh báo về nguy cơ mưa lớn, mưa dài ngày có khả năng gây lũ quét, sạt lở đến từng hộ dân…
Cẩn trọng trong mùa mưa bão
Liên quan đến sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều nơi trong thời gian gần đây, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục KTTV) cho biết, lũ quét, sạt lở đất là những hiện tượng thiên tai thường xuất hiện trong thời gian ngắn với diễn biến nhanh, cục bộ trong khu vực hẹp và có sức tàn phá lớn. Việt Nam là quốc gia phải chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn kéo dài, địa hình chia cắt, mật độ sông suối phong phú nên có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Hệ thống Dự báo KTTV quốc gia hiện nay được thực hiện theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, liên tục thường trực 24/24h. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn được chuyển đến Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ quan phòng, chống thiên tai tỉnh, huyện với phương thức qua fax, email, tin nhắn SMS và đăng tải trên các website của Tổng cục KTTV như http://vnmha.gov.vn/, https://www.nchmf.gov.vn/kttv/,...và qua các mạng xã hội như zalo, facebook… để các tỉnh chủ động trong công tác phòng chống. Để phục vụ công tác ứng phó tại địa phương, các Đài KTTV tỉnh sẽ thực hiện các bản tin cụ thể hóa, chi tiết hóa tới các xã hoặc các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở (phụ thuộc điều kiện số liệu điều tra sãn có).
Ngoài ra, một số địa phương đã được lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm trượt lở bùn, đất đá như tại khu vực xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai và thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Hệ thống trạm quan trắc tự động cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét cho thành phố Sơn La, thị trấn Mai Sơn (tỉnh Sơn La) trên lưu vực Nậm La, Nậm Pàn; 2 hệ thống quan trắc hiện trường trượt lở quy mô lớn dọc các tuyến giao thông trọng điểm tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) và Tắc Pỏ, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam,…
Giải pháp tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất là vô cùng cần thiết. Cần xây dựng quy chế phối hợp với địa phương về vận hành, khai thác và cập nhật hệ thống dữ liệu sạt lở đất, lũ quét; cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý - điều tra, đánh giá - chính quyền - cộng đồng dân cư địa phương trong công tác cảnh báo sớm về sạt lở đất, lũ quét.
Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường tiếp cận thông tin dự báo, cảnh báo về nguy cơ mưa lớn, mưa dài ngày có khả năng gây lũ quét, sạt lở. Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức, hành động, thông tin tích cực, định hướng thông tin cho người dùng trên cổng/trang thông tin điện tử, kênh/tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Instagram, tiktok…) do các cơ quan, đơn vị trong ngành KTTV thiết lập.
Thực hiện các mục cảnh báo đỏ, cảnh báo đậm trong các bản tin dự báo của Trung ương và địa phương, yêu cầu và hướng dẫn các Đài Truyền hình phát thanh, điện tử xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, infographic, báo chí dữ liệu để thống kê, cảnh báo về mối nguy hiểm do mưa lũ, sạt lở. Tăng thời lượng phát thanh về loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia khuyến cáo, người dân và du khách khi đi qua khu vực có nguy cơ cao cần lưu ý một số dấu hiệu nhận biết sạt lở đất, lũ quét như mưa lớn kéo dài, trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc xuất hiện các vết nứt. Cây cối gần khu vực sống có dấu hiệu bị nghiêng, nước sông suối chuyển màu, âm thanh lạ phát ra từ lòng đất... là một số dấu hiệu nghiêm trọng.
Khi xuất hiện các dấu hiệu trên cần nhanh chóng rời khỏi nơi nguy hiểm nếu nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn ở gần. Báo ngay cho những người xung quanh và chính quyền địa phương. Sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu.
Ngoài ra, người dân không được lại gần các khu vực đã có sạt lở đất; không đánh cá, vớt củi, bơi lội tại những khu vực sông suối đã có mưa lớn nhiều ngày, nước chuyển đục.
Phát triển hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực
TS Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực là một công cụ tích hợp để giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu, kết nối dữ liệu đa nguồn trên nền WebGIS. Trong đó, hệ thống đã tích hợp trên 3500 trạm quan trắc mưa tự động với tần suất 10p/lần; Tích hợp 10 ra đa thời tiết, dữ liệu vệ tinh thời gian gần thực; Tích hợp trường độ ẩm đất mô phỏng; Tích hợp dữ liệu mưa dự báo có độ phân giải từ 1-3km; Tích hợp các vị trí xung yếu. Thông tin cảnh báo chi tiết đến cấp xã và cập nhật 10h/lần thông tin cảnh báo và các phân hệ hỗ trợ các dự báo viên can thiệp, hỗ trợ ra tin cảnh báo.
Theo TS Hoàng Văn Đại, ứng dụng của hệ thống giúp công tác nghiệp vụ theo dõi, giám sát, hỗ trợ ra tin tự động, bán tự động trên nền tảng số; giúp cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn theo dõi, cập nhật nhanh thông tin cảnh báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giúp người dân có thêm kênh thông tin có tính cập nhật cao để chủ động phòng, tránh thiên tai lũ quét, sạt lở đất; là kênh thông tin quan trọng để các cơ quan báo chí, truyền hình tham khảo để thực hiện công tác truyền thông thiên tai đến cộng đồng.
Công nghệ được cập nhật thời gian thực các biến số đầu vào và tự động hỗ trợ cảnh báo là bước tiến quan trọng trong cảnh báo các thiên tai có diễn biến nhanh, bất ngờ, cụ thể ở đây là lũ quét và sạt lở đất: Thông qua hệ thống, các cơ quan chỉ đạo điều hành về thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi thông tin cảnh báo và có hành động kịp thời hơn trong tình huống có thể xảy ra thiên tai. Các dự báo viên có thể theo dõi trực tuyến toàn bộ các dữ liệu với thời gian gần thực trong công tác nghệp vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Qua đó hỗ trợ rất lớn cho nghiệp vụ của các dự báo viên từ cấp trung ương đến địa phương. Thông qua hệ thông, các bản tin cảnh báo được thực hiện nhanh hơn, kịp thời hơn so với trước đây. Hiện tại, Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất thời gian thực đang được thử nghiệm vận hành bởi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và được đưa vào dự báo nghiệp vụ, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng cảnh báo”.
Theo VOV.VN