Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 3 chữ “Thủ đô ta” để nói lên sự gần gũi, thân thương cũng như gửi gắm tình cảm, niềm tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố Vì hòa bình, để rồi “dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.
Thủ đô Hà Nội không chỉ là nơi sinh ra, nuôi dưỡng, học tập, công tác và gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trọn đời, mà còn là nơi ông gửi gắm nhiều tình cảm, khát vọng…
Mới đây nhất trong lần về thăm chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, trong lòng mỗi người con đất Việt đều xúc động, tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng, hào hoa và thanh lịch. Nhắc lại bài viết của Bác Hồ đăng trên Báo Nhân Dân số 236 ra ngày đầu tiên Thủ đô được giải phóng (10/10-/954), rằng "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".
Và gần đây, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã tiếp tục ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây chính là sự quan tâm đặc biệt và cũng là yêu cầu, mong muốn, tin tưởng để Hà Nội thực sự phát triển, gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước.
“Chúng ta tự hào về lịch sử truyền thống vẻ vang của Thủ đô ta, vui chung về những kết quả, thành tích đã đạt được. Song chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn, bởi còn nhiều việc phải làm với nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua. Nói thế để mỗi chúng ta thêm tự hào được làm công dân của Thủ đô, mà hơn nữa lại được sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Sự quan tâm, những thông điệp và gửi gắm của Tổng Bí thư với Hà Nội không chỉ qua những lần ông về thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, mà còn được thể hiện rõ qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, sinh hoạt tổ dân phố, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân…
Là những người may mắn nhiều lần được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Vũ Huy Chương, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Nguyễn Du và bà Nguyễn Thị Hiệp, trú tại số 9 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng nhớ như in những tình cảm, lời căn dặn của Tổng Bí thư về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng và phát triển Thủ đô, đặc biệt là những chia sẻ với cử tri tại Hội nghị ngày 1/7/2023, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô chỉ có một. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được”.
- “Đồng chí chia sẻ những suy nghĩ và cũng là nhắc nhở mọi người là công dân Thủ đô thì phải thể hiện cho xứng đáng. Trách nhiệm, tình cảm đối với Hà Nội ở đồng chí rõ ràng lắm. Đồng chí không chỉ quan tâm đến Thủ đô Hà Nội nói chung mà đến từng địa bàn, kể cả ở một phường nhỏ như phường Nguyễn Du…”
- “Bác Trọng truyền lửa lại cho tất cả nhân dân trong tổ dân phố, bác bảo với mọi người hãy cố gắng và sống thật đẹp thật tốt. Cuộc sống này chúng ta luôn luôn phải trân trọng và luôn luôn phải biết xây. Tức là toàn dân đoàn kết xây dựng đất nước văn minh, sạch đẹp, phát triển. Bác luôn chú trọng nhắc nhở cho mọi người dân biết chúng ta phải xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, quy củ hơn, văn minh, lịch sự và giữ gìn được bản sắc dân tộc.”
Từ khát vọng lan tỏa về một thành phố anh hùng, thành phố vì hoà bình, “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, xây dựng “Thủ đô ta” ngày càng giàu mạnh, sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm cho sự nghiệp trồng người, giáo dục của Thủ đô. Trong những lần về thăm trường Nguyễn Gia Thiều, nơi Tổng Bí thư có hơn 6 năm gắn bó, từ năm 1957 đến năm 1962, ông không chỉ để lại dấu ấn về người học trò lễ phép, khiêm nhường bên thầy cô, bạn bè, mà luôn mong muốn, dặn dò thế hệ thầy trò nhà trường hôm nay không ngừng phấn đấu để Trường Nguyễn Gia Thiều dành được nhiều kết quả cao hơn nữa, góp vào thành tích chung của ngành giáo dục Thủ đô.
Cô Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều ngậm ngùi nhớ lại: “Bác cũng nhắn nhủ với cán bộ, giáo viên, học sinh trường Nguyễn Gia Thiều là làm sao để đào tạo ra những học sinh có chỉ số hạnh phúc cao. Trước tiên phải là người tốt, tiếp theo là giỏi và có tinh thần xây dựng đất nước. Trường THPT Nguyễn Gia Thiều có nhiệm vụ đào tạo ra những học sinh có nguồn lao động chất lượng cao để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước và Thủ đô Hà Nội.”
Cụ thể hóa những lời căn dặn của Tổng Bí thư để “Thủ đô ta” ngày càng văn minh hơn, hiện đại hơn, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô luôn phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó thể hiện rõ khát vọng, tầm nhìn, bước đi cụ thể để Thủ đô tự hào sánh vai cùng các nước phát triển.
Mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới...
“Tất cả mọi hoạt động lãnh đạo chỉ đạo, đặc biệt những khi làm việc riêng với Đảng bộ Thủ đô Hà Nội, hoặc là ban hành những nghị quyết, những chỉ thị của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển Thủ đô, về xây dựng quy hoạch Thủ đô, về xây dựng văn hóa, con người Thủ đô, chúng ta đều thấy ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn đem lại những cảm nhận, sự hiểu biết rất sâu sắc về văn hóa, con người Hà Nội. Những định hướng phát triển văn hóa, con người Hà Nội”, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ.
Từ nay, người dân của mảnh đất Thăng Long kinh kỳ không còn được gặp, chuyện trò cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nữa, nhưng những tình cảm, lời căn dặn, gửi gắm của ông sẽ còn in đậm mãi. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”!/.
Theo VOV.VN