Đánh thắng trận đầu: Trận đánh đi vào lịch sử của Bộ đội tên lửa anh hùng

Ngày 24/07/1965 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội tên lửa khi được ghi vào lịch sử là ngày ra quân đánh thắng trận đầu.

 

Mỗi khi nhớ đến không khí của những ngày tháng hào hùng năm ấy, cựu chiến binh Hà Huệ lúc đấy thuộc tiểu đội 1, tiểu đoàn 63, trung đoàn 236, sư đoàn 361 vẫn không giấu nổi niềm tự hào khi đã tham gia trận đánh ấy. Cựu chiến binh Hà Huệ cho biết, sau hơn 2 tháng huấn luyện, dù thời gian rất gấp gáp nhưng với tinh thần và kỷ luật thép của quân đội, những người lính như ông luôn chấp hành mệnh lệnh của cấp trên dù rất hồi hộp và lo lắng không biết có hoàn thành nhiệm vụ được giao hay không. Ông Hà Huệ chia sẻ, trong trận đánh đó những người lính như ông rất phấn khởi vì được rèn luyện trong chiến đấu và sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô, góp phần vào chiến thắng chung.

Khi ấy, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ mồng 05/08/1964, đế quốc Mỹ liên tiếp thất bại trên chiến trường miền Nam. Tháng 6-1965, nhằm hạn chế sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam, chúng điên cuồng leo thang ra bắn phá miền Bắc bằng không quân. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương quyết định đưa Bộ đội Tên lửa ra quân chiến đấu. Để thực hiện chủ trương này, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tập trung nghiên cứu, phân tích và đánh giá tình hình cũng như địa hình, thời tiết, nhất là âm mưu và cách thức hoạt động của không quân Mỹ. Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, ta đã tích cực chuẩn bị mọi mặt, bảo đảm cho Bộ đội Tên lửa ra quân đánh thắng ngay từ trận đầu. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Khoan, tiểu đội 2, tiểu đoàn 63, trung đoàn 236, sư đoàn 361 chia sẻ, “bộ đội mình bảo nhau học không thể chần chừ được cho nên các chiến sĩ ở đơn vị hồi ấy đều quyết tâm cao cho nên kết quả rất lớn”.

Để tiêu diệt máy bay địch, Quân chủng đã tổ chức bố trí đội hình chiến đấu phòng không thành 03 cụm là cụm phía Bắc gồm Tiểu đoàn tên lửa 63, Trung đoàn pháo cao xạ 234 và 02 đại đội súng máy tự hành của Quân chủng. Cụm phía Nam gồm Tiểu đoàn tên lửa 64, Trung đoàn pháo cao xạ 250 cùng một số đơn vị súng máy tự hành của cấp trên. Cụm Trung tâm chỉ huy gồm 02 Sở Chỉ huy tiền phương và Sở Chỉ huy Trung đoàn Tên lửa 236 cùng lực lượng bảo vệ. Ngoài ra, quân ta còn bố trí 01 trung đội súng máy phòng không trên điểm cao 600 ở núi Ba Vì để đón đánh máy bay địch bay thấp, đánh lén vào khu Trung tâm.

Ảnh tư liệu.Lực lượng ra-đa được bố trí có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị ra-đa của Sư đoàn 361 đang quản lý vùng trời phía Tây Hà Nội nhằm phát hiện máy bay địch từ xa, kịp thời báo cáo Sở Chỉ huy Quân chủng và thông báo, báo động cho các đơn vị chiến đấu. Các trận địa súng máy phòng không của bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ các huyện Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện,… cũng được tổ chức triển khai trên tất cả các hướng để tham gia bảo vệ tên lửa, hiệp đồng chiến đấu và vây bắt giặc lái. Nhìn tổng thể, tại khu vực Suối Hai, ta đã xây dựng được thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân rộng khắp, bố trí chặt chẽ, với hỏa lực tập trung nhiều tầng, sẵn sàng đón lõng không quân địch. Theo phân tích của thiếu tướng Nguyễn Văn Thực, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, trận đánh ngày 24/07 là biểu hiện sinh động về sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trên mặt trận đất đối không, tạo sức mạnh tổng hợp để Bộ đội Tên lửa giành thắng lợi ngay từ trận đầu với sự hỗ trợ của các chuyên gia quân sự Liên Xô, thể hiện tình đoàn kết giữa hai nước.

15h00 chiều 24/07/1965, Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64, thuộc Trung đoàn 236 được lệnh vào cấp 1 khi từ hướng Tây Hà Nội xuất hiện nhiều tốp máy bay địch. Khi máy bay địch vào phạm vi hỏa lực, những quả đạn tên lửa đầu tiên được khai hỏa. Kết quả là bộ đội tên lửa đã bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ và bắt sống 1 giặc lái, đánh dấu ngày ra quân đánh thắng trận đầu của Phòng không không quân và trở thành ngày truyền thống của Bộ đội tên lửa Việt Nam.

Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 400 và 401 bị quân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. “Đánh thắng trận đầu của tiểu đoàn 63 là công sức tập thể đã cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ với điều kiện vừa học xong khí tài nhưng với tinh thần, trình độ và được sự giúp đỡ của chuyên gia thì chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc. Đây là niềm tự hào của những cựu chiến binh chúng tôi”, cựu chiến binh Phạm Đình Tân, trưởng ban liên lạc tiểu đoàn 63 chia sẻ.

Các cựu chiến binh tiểu đoàn 63 trong dịp gặp mặt 59 năm đánh thắng trận đầu.Ra quân đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa thật sự là chiến thắng có ý nghĩa to lớn, thể hiện nghệ thuật đặc sắc về sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không của Bộ đội Tên lửa phòng không. Chiến thắng trận đầu đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của Bộ đội Tên lửa trong việc tiếp tục nâng cao trình độ, nắm vững khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, khí tài, cùng với quân và dân miền Bắc chiến đấu, đánh bại không quân Mỹ. Từ chiến thắng trận đầu, bằng tinh thần sáng tạo và sự quyết tâm, Bộ đội tên lửa phòng không – không quân ngày càng trở nên mạnh mẽ và sáng tạo nhiều cách đánh hay, độc đáo, góp phần không nhỏ trong chiến thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.

Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, Bộ đội tên lửa đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước, làm dày thêm truyền thống vẻ vang trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Hùng/VOV2.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận