Vì sao doanh nghiệp vẫn khó tuyển lao động?

Số doanh nghiệp tuyển dụng được lao động không nhiều có thể dẫn đến sự thiếu hụt lao động trong những tháng cuối năm, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật cao.

 

Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động cao, nhưng số doanh nghiệp tuyển dụng được lao động không nhiều. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt lao động trong những tháng cuối năm, nhất là lao động có trình độ kỹ thuật cao.

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM đã mở rộng quy mô, tăng chuyền để đáp ứng tiến độ sản xuất, dù liên tục tuyển dụng nhưng vẫn không có đủ nhân công lao động sản xuất.

Tại Hà Nội, nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang trong tình trạng thiếu lao động trầm trọng, một số doanh nghiệp khá chật vật trong việc tìm kiếm lao động, đặc biệt ở khối sản xuất.

Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân khiến doanh nghiệp không tuyển được là do thiếu nguồn lao động. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thay đổi xu hướng tuyển dụng, cần nhiều lao động có chuyên môn, trình độ tay nghề cao, trong khi phân khúc này thị trường Việt Nam đang thiếu rất nhiều.

Một nguyên nhân nữa là hiện nay lao động trẻ có xu hướng muốn được làm việc trong môi trường năng động, thoải mái, sáng tạo, nếu cảm thấy chưa phù hợp là sẵn sàng “nhảy việc” ngay. Do chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố, cùng với sự phát triển nhà máy, phân xưởng tại nhiều tỉnh thành, một bộ phận lao động phổ thông đã từ bỏ bám trụ ở thành phố và chuyển về quê. Điều này khiến không ít doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng nhóm lao động này và có thể dẫn đến sự thiếu hụt lao động trong những tháng cuối năm.

Doanh nghiệp cần có chế độ thù lao thỏa đáng về lương thưởng để giữ chân người lao động. (Ảnh minh họa) 

Khó khăn tiếp theo là khi tuyển dụng lao động mới, doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu, trong khi lại thiếu và cần những người làm được việc ngay. Do đó, nhiều lao động trong thời gian ngắn không thích nghi kịp cũng sẽ tự đào thải, có người nản chí, bỏ việc, đi tìm việc làm mới. Ngoài những yếu tố này, nhiều lao động cảm thấy không đáp ứng được kỳ vọng về mức thu nhập, môi trường làm việc, cũng sẽ tự động xin nghỉ việc, điều này khiến doanh nghiệp phải liên tục tuyển dụng bổ sung.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, hiện đang có sự trái ngược, lệch pha trên thị trường lao động, đó là, người đi tìm việc vẫn rất nhiều, còn doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lại không tuyển được nhân sự. Có những doanh nghiệp đến các phiên giao dịch việc làm tuyển được nhiều lao động, nhưng cũng có những công ty chỉ tìm được một vài người, thậm chí không tìm được ai.

Tuy nhiên, ông Thành vẫn nhìn nhận một cách lạc quan, với việc phục hồi kinh tế xã hội, trong những cuối năm, kỳ vọng lượng người tìm việc làm nhiều hơn, nhu cầu tuyển dụng gia tăng, điều này sẽ giúp thị trường lao động cả nước khởi sắc.

Những tháng cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung vào ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức, tiêu dùng gia tăng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài ra, các công trình trọng điểm đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công... Từ đó, có thể tăng tuyển dụng lao động trong ngành xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…

Để chủ động trong nguồn cung lao động, ông Vũ Quang Thành cho hay, trong quá trình trao đổi với các doanh nghiệp, đơn vị luôn cố gắng tư vấn cụ thể, chi tiết nhất để công ty có thể đưa ra các chế độ, quyền lợi, yêu cầu phù hợp đối với người lao động. Từ đó, đảm bảo sự hài hòa giữa các bên, đặc biệt “giữ chân” được người lao động. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế thu nhập tốt, xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm, doanh nghiệp hiện tại cũng như trong năm 2023 và những tháng vừa qua rất khó khăn, khó khăn về thương trường, khó khăn về các điều kiện khách quan từ bên ngoài cũng như khó khăn về thực hiện các cơ chế chính sách đang có, khó khăn cả về nhân lực lao động.

Người lao động hiện tại có nhiều lựa chọn, cả về khu vực làm việc lẫn lĩnh vực làm việc, cho nên, nếu doanh nghiệp nào có chế độ chính sách cũng như sự quan tâm đến người lao động mà chưa được như mong muốn thì họ sẵn sàng xin nghỉ việc ở chỗ này để tìm việc ở chỗ khác. Đó là một xu thế và thực tế khách quan.

Để “hút” người lao động, doanh nghiệp cần có sự quan tâm đúng mức, cần có nghệ thuật phân công công việc, nghệ thuật giữ chân nhân viên và nghệ thuật quan tâm như thế nào đó để người lao động cảm thấy thỏa mãn, vui vẻ, ở lại gắn bó với doanh nghiệp của mình. Đó là nỗ lực mà doanh nghiệp phải làm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chế độ chính sách đào tạo và đào tạo lại để người lao động có thể đáp ứng được yêu cầu làm việc ngày càng cao của doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải có chế độ thù lao thỏa đáng về lương thưởng, về bồi dưỡng mẫn cán, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, ý tưởng sáng tạo cũng như các yếu tố khác, đặc biệt là nâng cao việc kết hợp làm việc theo nhóm cũng như các điều kiện khác.

“Tôi cho rằng, việc này cần phải có sự nỗ lực rất lớn của chủ sử dụng người lao động và của chính người lao động. Hai bên cần có sự bàn bạc trao đổi, thỏa thuận, thỏa ước với nhau trong phần việc mà người lao động đảm nhiệm và người chủ sử dụng lao động cần có trách nhiệm trong việc đáp ứng yêu cầu mong muốn của người lao động; tạo điều kiện, niềm tin để người lao động yên tâm ở lại làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Chung Thủy/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận