Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM đội vốn, gây lãng phí; trong khi người dân bức xúc vì sống trong cảnh ngập nước. Đây cũng là một trong ba dự án gây lãng phí mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu lên tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Liệu rằng dự án này có sắp được tháo gỡ?
Ngập thì chịu chứ không hy vọng gì
Tuyến đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, TP.HCM cứ vào ngày đầu tháng âm lịch và ngày rằm theo con nước lên là ngập. Đứng trên cầu Tân Thuận nhìn xuống, khó có thể nhận ra đâu là đường, đâu là kênh bởi tuyến đường này đã bị nước bao phủ.
Khoảng 17h, là giờ tan tầm, nước dâng đến nửa bánh xe, có nơi ngập cả bánh xe máy. Những chiếc xe chông chênh mất lái, có khi bị chết máy hàng loạt phải đẩy bộ giữa dòng nước. Người dân buôn bán ở mặt đường phải chịu cảnh sóng nước tạt vào. Dù có làm mọi cách để chắn, ngăn nước tràn vào …nhưng nhiều nhà đành bất lực, chỉ biết dọn đồ đạc lên cao để tránh bị hư hại.
Chị Oanh, buôn bán ở mặt tiền đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Thuận Đông, Quận 7) cho biết, gần như mỗi tháng hai lần nhà chị phải chịu cảnh ngập nước kéo dài vài ngày.
Tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng và người dân đành phải thích nghi, xem đó là chuyện thường ngày và tìm giải pháp khắc phục trước mắt là: nâng nền, trang bị máy bơm nước. Khi được hỏi về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, chị Oanh cho biết, mọi người dường như đã quên mất công trình này, cũng như không trông mong gì nữa.
“Nghe nói thôi, lâu quá quên mất là có dự án này rồi bởi có thấy làm gì đâu. Chúng tôi cũng không có trông đợi gì nữa hết. Năm nào, tháng nào cũng ngập. Giờ nước ngập là bình thường, nước lên mình dọn vô bởi ngập cũng đâu bán được”, chị Oanh than thở.
Gần đó, con hẻm 67 đường Bùi Văn Ba kết nối với đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7) cũng phải chịu cảnh ngập nước nặng nề mỗi khi triều cường lên, nhất là những khi đi kèm với mưa lớn. Tầng trệt những ngôi nhà hầu hết ngập trong biển nước, người dân phải lên tầng, hay chen chúc nhau trong căn gác nhỏ.
Người dân ở đây cho biết, chỉ có một vài hộ mới xây nhà gần đây đã nâng cao nền nhà thì may ra mới có thể thoát cảnh ngập, còn lại 90% người dân đều phải sống chung với nước:
“Hẻm này 90% ngập nước, có người phải đi ra ngoài gửi xe. Nói chung ảnh hưởng nhiều, nhưng bà con hàng xóm kêu ca với nhau thôi chứ có ai thấu, có ai giải quyết cho đâu”, một người dân bức xúc.
Ngoài những tuyến đường vừa nêu, nhiều tuyến đường khác tại các vùng trũng thấp, ven sông của TP.HCM cũng gặp tình trạng ngập nặng do triều cường, như: Đào Sư Tích, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình, Lê Văn Lương, Phạm Hữu Lầu…
Câu chuyện triều cường, ngập nước và tiến độ của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng cũng thường là chủ đề chính tại các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH với cử tri huyện Nhà Bè, Quận 4, 7. Câu trả lời của lãnh đạo TP.HCM vẫn không có gì mới khi…dự án vẫn còn nhiều vướng mắc.
Mỗi ngày lãi vay phát sinh 1,73 tỷ đồng
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 là dự án trọng điểm của TP.HCM, với các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Dự án được khởi công từ giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, do những khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên sau đó tiến độ hoàn thành lùi lại nhiều lần.
Hiện nay, tại các công trình của dự án chống ngập, các khối thép, bê tông sừng sững đang nằm im ỉm. Nhà điều hành thì bỏ hoang, công trường đóng cửa, cỏ mọc rêu phủ.
Theo chủ đầu tư là Công ty Cổ phẩn Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), đến nay dự án dù đã đạt hơn 90% tổng khối lương nhưng cũng đã tạm dừng thi công 3 lần, tổng cộng 66 tháng, trong đó lần thứ 3 là từ 15/11/2020 đến nay với 48 tháng do hết thời gian thực hiện dự án theo hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng BT và hết hạn giải ngân tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Việc tạm dừng và kéo dài dự án do các vướng mắc mà nhà đầu tư không thể giải quyết và cũng không thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư dẫn đến lãi vay phát sinh mỗi ngày 1,73 tỷ đồng. Theo Trung Nam Group, những phát sinh này phải được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư (tương tự như các tuyến metro).
Theo nhà đầu tư, nếu ngay bây giờ không thực hiện song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của TP để hoàn thành dự án sau khi đã khơi thông nguồn vốn sẽ cần tổng thời gian là 28 tháng (gồm 12 tháng làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, 4 tháng đàm phán phụ lục hợp đồng BT và 12 tháng thi công công trình. Với việc kéo dài thêm 16 tháng làm thủ tục thực hiện sẽ phát sinh lãi vay, gây thiệt hại rất lớn cho TP với ước tính khoảng 845 tỷ đồng.
Trung Nam Group kiến nghị, TP.HCM cần sớm thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án; tiến hành thanh toán quỹ đất cho dự án để giảm nợ gốc và lãi vay, tạo nguồn để có thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng để thi công hoàn thành dự án.
Về dự án này, tại buổi làm việc của Tổ Công tác số 3 của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì ngày 17/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP cũng đã có báo cáo.
Theo đó, năm 2023, TP.HCM đã bố trí trong kế hoạch vốn để thanh toán cho nhà đầu tư là 6.700 tỷ đồng nhưng không thể thanh toán được đồng nào. Năm 2024, TP bố trí 6.800 tỷ đồng nhưng khả năng cũng không thanh toán được do chưa hoàn thiện được pháp lý.
Để triển khai tiếp tục dự án, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh toàn diện dự án và tiến hành cả các thủ tục thanh toán. Theo ông Phan Văn Mãi, trước đây là thanh toán tiền trước, đất sau (tiền chiềm 84% và đất là 16%).
Bây giờ do không đủ điều kiện pháp lý để triển khai thì vận dụng thanh toán đất trước. Theo đó, trong quỹ đất 3 địa chỉ này thì quy ra giá trị bao nhiêu thì thanh toán bằng tiền. Tuy nhiên, việc thanh toán này cũng không thể thực hiện trong năm 2024 nên TP báo cáo HĐND TP tạm phân bổ 6.800 tỷ đồng cho các dự án khởi công mới khác. Sau đó trong kế hoạch năm sau và giai đoạn trung hạn sau sẽ trả lại.
“Tinh thần là thành phố đủ đất, đủ tiền để thanh toán nhưng bây giờ pháp lý để thanh toán thôi. Bây giờ có hai cái chuyện. Một là cho điều chỉnh toàn diện của dự án. Thứ hai là tiến hành các thủ tục thanh toán đất trước, tiền sau thanh toán hết giá trị đất thì còn lại là thanh toán tiền. Mấy việc này làm khẩn trương nhưng chắc năm sau mới thanh toán được”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Cần tính đến quyền lợi người dân
Liên quan đến dự án này, TS Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, vấn đề ở đây là cần tạo ra một hành lang pháp lý để những người thực hiện yên tâm với nhiệm vụ trước mắt là phải bảo đảm hiệu quả kinh tế của 10.000 tỷ đồng đã bỏ vào đấy. Còn câu chuyện đúng sai trong quá trình triển khai, những gì rút kinh nghiệm sẽ bàn sau.
Ông Kiên cho rằng, cần phải tính bài toán kinh tế tổng thể là nếu đẩy nhanh tiến độ thì giúp ích được cho Thành phố cái gì. Sau khi trừ phần lãi vay mà Thành phố phải trả ở ngân hàng hoặc giả định là nếu Thành phố phải vay thì so với chi phí mà người ta làm phải trừ đi thì có hiệu quả chưa chứ không tính một chiều là hiện nay phải thế này, thế kia.
"Chúng ta quên mất một yếu tố kinh tế là kéo dài thêm 4 năm nữa thì tiền lãi trả cái chỗ đấy là bao nhiêu và một cái yếu tố chưa định lượng được là phản ứng của người dân trong khu vực dự án bị tác động xấu thêm 4 năm nữa thì chúng ta có tính không. Đây là những vấn đề mà khi triển khai Nghị quyết 98 đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức và người lãnh đạo TP.HCM phải dũng cảm áp dụng vào và nói ra điều đấy thì mới bảo vệ được cán bộ, mới tạo được thuận lợi cho người dân”, TS Nguyễn Đức Kiên nói.
Mới đây, khi phát biểu thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điểm mặt dự án này khi cho rằng, “dự án chống ngập ở TP.HCM qua 2 nhiệm kỳ mà dân vẫn chịu ngập lụt, trong khi tiền Nhà nước bỏ ra rồi. Nếu để thế thì vẫn vi phạm, không tham ô tham nhũng thì cũng lãng phí.”
Hy vọng với chỉ đạo của từ người đứng đầu đất nước cũng như những nỗ lực của Chính phủ, TP.HCM và các bên liên quan, các khó khăn vướng mắc sẽ được tháo gỡ để dự án được đưa vào sử dụng. Điều này không những giúp cho người dân được hưởng lợi mà cũng lấy lại được niềm tin của nhân dân cũng như là minh chứng quan trọng trong nỗ lực giải bài toán lãng phí hiện nay./.
Theo VOV.VN