Tuy nhiên nhìn trên bình diện chung, thì đề xuất này không thực tế, rất khó để thực hiện, bởi để đào tạo ra một bác sĩ, mức chi phí vô cùng tốn kém, đây sẽ là áp lực rất lớn cho ngân sách".
Mới đây, tại phiên họp Quốc hội ngày 4/10, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề, các y bác sĩ là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp trực đêm, ca mổ đã hơn 10 năm qua chưa được thay đổi.
Vì vậy, đại biểu đề nghị quan tâm điều chỉnh tăng các khoản phụ cấp để động viên và hỗ trợ tinh thần cho đội ngũ y tế.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu nêu thực tế thi vào ngành y đã khó, thời gian học lại dài, học phí lại cao hơn ngành học khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành y tương tự như ngành giáo dục hiện nay.
Nói về mức học phí ngành y, Nguyễn Hải Yến, sinh viên năm thứ 4, ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, khóa của Yến may mắn khi vẫn được áp dụng mức học phí cũ là 28 triệu/năm, mỗi năm chỉ tăng thêm 10%. Nhưng những khóa sau này, mức học phí đã tăng, mức cao nhất hiện là 55 triệu đồng/năm. Hải Yến cho rằng, với mức học phí tăng cao, thời gian học kéo dài, ít nhất là 6 năm đại học và sau khi tốt nghiệp vẫn cần học tiếp chuyên khoa hoặc nội trú…, trung bình mỗi sinh viên ngành y sẽ phải mất khoảng 10 năm học để ra hành nghề. Do đó, không ít sinh viên nếu không đủ khả năng tài chính sẽ khó lòng theo học ngành y.
“Lịch học của sinh viên các trường y khoa rất dày đặc, sáng học lâm sàng tại bệnh viện, chiều học lý thuyết tại trường, tối lại đi trực, hầu hết sinh viên chúng em không có đủ thời gian và sức khỏe để đi làm thêm bên ngoài. Chỉ một số rất nhỏ các bạn học rất giỏi mới có thể sắp xếp để đi dạy gia sư kiếm thêm thu nhập, còn lại hầu hết chi phí học tập và sinh hoạt đều cần gia đình hỗ trợ. Để ra làm việc được, số tiền bỏ ra là không hề nhỏ, cao hơn nhiều so với các ngành học khác”, Yến chia sẻ.
Nữ sinh cho biết, tại Trường ĐH Y Hà Nội hàng năm vẫn có các chương trình học bổng, nhưng điều kiện để đạt được không dễ, hay các chính sách miễn giảm học phí cũng chỉ dành cho số ít sinh viên là con em gia đình chính sách. Bởi vậy nếu có chính sách hỗ trợ về học phí như sinh viên ngành sư phạm sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế cho sinh viên ngành y, để các em yên tâm học tập và cống hiến với nghề.
Trong khi đó, Hoàng Anh Tú, sinh viên năm thứ 3, một trường đào tạo về y khoa lại cho rằng: “Em hiểu việc tăng học phí ngành y tại các trường hiện nay là điều đương nhiên, khi quá trình học cần rất nhiều dụng cụ, trang thiết bị hiện đại, chi phí lớn. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có điều kiện về kinh tế, bởi vậy ngoài việc học tập áp lực vì kiến thức rất nặng thì còn áp lực lớn từ vấn đề kinh tế”.
Ths.BSNT Hoàng Văn Tâm, Giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, về mặt chủ trương đây là một việc tốt, giúp giảm áp lực cho sinh viên, thu hút nhân tài vào khối ngành y khoa. “Dưới góc độ người học, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, tuy nhiên nhìn trên bình diện chung, thì đề xuất này không thực tế, rất khó để thực hiện. Nếu miễn học phí cho sinh viên ngành y sẽ tạo áp lực rất lớn cho ngân sách, bởi để đào tạo ra một bác sĩ, mức chi phí vô cùng tốn kém”.
Theo Ths.BSNT Hoàng Văn Tâm, trong 6 năm học đại học, sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn cần thực hành rất nhiều, khâu này đòi hỏi chi phí đào tạo lớn. Các trường đào tạo nhóm ngành y khoa rất khó để giảm mức học phí. Tại ĐH Y Hà Nội, ngành Y khoa có mức học phí cao nhất là hơn 50 triệu đồng/năm, tuy nhiên nếu soi chiếu với các nước khác, thì đây vẫn là mức khá thấp.
Giảng viên này đánh giá, khó có thể so sánh chi phí đào tạo ngành sư phạm với ngành y, bởi chi phí để đào tạo ra một bác sĩ lớn hơn rất nhiều so với chi phí đào tạo ra một giáo viên.
Song Ths.BSNT Hoàng Văn Tâm cũng thẳng thắn cho rằng, mức học phí hiện nay cũng đang là rào cản lớn cho nhiều sinh viên muốn theo đuổi ngành y. Không chỉ chi phí học đại học lớn, quá trình đào tạo sau đại học cũng rất tốn kém. Nhưng khi ra trường, mức lương đội ngũ y bác sĩ trẻ nhận được chưa tương xứng. Đơn cử như bác sĩ nội trú, khi đi làm cũng chỉ được tính theo theo hệ số là 2,67 và hệ số của cử nhân ngành y là 2,34. Dù cộng thêm các khoản phụ cấp khác thì mức thu nhập vẫn thấp, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ ở các tuyến dưới.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2024, Nhà nước mới chỉ hỗ trợ kinh phí đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Cụ thể, sinh viên sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
Nguyễn Trang/VOV.VN