Mới đây, trên cơ sở rà soát, tổng hợp thông tin từ các huyện, thành phố, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai danh sách các doanh nghiệp đang có vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đất đai.
Theo nội dung văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình vừa báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 35 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, trong đó có: 28 trường hợp vi phạm đã khắc phục xong, 7 doanh nghiệp đang có vi phạm đất đai được tỉnh Ninh Bình đề nghị công khai.
Cụ thể các trường hợp đề nghị công khai gồm: Công ty TNHH Công nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (Khu công nghiệp Phúc Sơn), Công ty TNHH Beauty Surplus Int't Việt Nam (Khu công nghiệp Khánh Phú) chậm tiến độ sử dụng đất.
Công ty Cổ phần Xi măng Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Nho Quan) không hoạt động; Công ty Cổ phần Giống chăn nuôi Miền Bắc (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan) sử dụng đất chậm tiến độ.
Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Gia Lâm (xã Gia Lâm, huyện Nho Quan) vi phạm cho thuê lại quyền sử dụng đất và Công ty Cổ phần Nước khoáng Cúc Phương (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan) chậm tiến độ sử dụng đất.
Việc công khai thông tin doanh nghiệp vi phạm pháp luật đất đai trên cổng thông tin điện tử được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Trước đó, vào đầu năm 2024, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt dự án vi phạm về đất đai, xây dựng tại tỉnh Ninh Bình. Cụ thể, qua kiểm tra 18 dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện 7 dự án có thiếu sót, vi phạm về công tác quy hoạch như phê duyệt quy hoạch chưa đúng tỷ lệ, chưa điều chỉnh quy hoạch chung, chỉ tiêu quy hoạch chưa phù hợp với quy hoạch cấp trên hoặc quy chuẩn xây dựng. Dự án có quy mô trên 5ha nhưng không lập quy hoạch chi tiết 1/500, không bố trí nhà ở xã hội. 5 dự án đó, gồm: Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng; Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái; Bến xe khách phía đông TP Ninh Bình; Nhà máy chế biến gỗ cao cấp tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; Khu dân cư Bình Minh, huyện Nho Quan; Khu công nghiệp Gián Khẩu; Khu đô thị mới phía bắc TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
7 dự án có hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong xác định tiền sử dụng đất, thuê đất, chưa xác định bổ sung tiền thuê đất (điều chỉnh quy hoạch chi tiết, tăng diện tích sàn), chậm nộp tiền thuê đất, không điều chỉnh đơn giá thuê đất sau khi hết chu kỳ ổn định 5 năm, miễn giảm tiền thuê đất. Cụ thể, gồm các dự án Trung tâm liên hợp du lịch và thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng; Trung tâm thương mại dịch vụ Tân An; Chợ đầu mối tổng hợp TP Ninh Bình; 3 cụm công nghiệp (Gia Vân, Gia Phú, Khánh Thượng); Bến xe phía đông TP Ninh Bình.
Thanh tra phát hiện tại 5 dự án, chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khi chưa có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền (Chợ đầu mối tổng hợp TP Ninh Bình; Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hà Thành, Phước Lộc; Nhà hàng và cơ sở sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, xã Vân Giã, huyện Gia Viễn; Kho xăng dầu Hà Anh; Nhà máy chế biến gỗ cao cấp, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan). Dự án Bến xe khách phía đông TP Ninh Bình chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với một phần diện tích, 3.738m2.
Tại Khu công nghiệp Phúc Sơn do Công ty CP - Tổng công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phúc Lộc làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp chứng nhận đầu tư cho 4 dự án thương mại, dịch vụ không phù hợp quy hoạch chi tiết, chưa đảm bảo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư.
UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê đất với 3 dự án thương mại, dịch vụ không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai. Chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp này bị kết luận chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất...
Văn Ngân/VOV.VN