Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định mới nhằm điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động tại các cơ sở y tế công lập. Đây là nghị định nhằm khắc phục những bất cập của nghị định số 56/2011/NĐ-CP sau hơn 13 năm áp dụng.
Theo Bộ Y tế, nghị định số 56/2011/NĐ-CP từng góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao động lực làm việc cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, do thay đổi trong mô hình bệnh tật, sự xuất hiện của các dịch bệnh mới và sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nhiều thách thức đã đặt ra, đặc biệt đối với y tế dự phòng.
Hiện nay, y tế dự phòng và y tế cơ sở vẫn chưa được đánh giá đúng mức quan trọng. Để khắc phục, dự thảo nghị định mới đặt mục tiêu thu hút, duy trì đội ngũ nhân lực y tế có trình độ cao và tạo động lực cho nhân viên gắn bó lâu dài.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất mức phụ cấp ưu đãi theo nghề như sau: Mức 70% dành cho viên chức trực tiếp thực hiện các công việc đặc biệt như xét nghiệm, điều trị bệnh phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, bệnh truyền nhiễm nhóm A; giám định pháp y, giải phẫu bệnh lý; làm việc tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III; bác sĩ công tác tại y tế cơ sở vùng khó khăn; viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Mức 60% áp dụng cho viên chức trực tiếp khám, điều trị các bệnh truyền nhiễm khác, cấp cứu 115, kiểm dịch y tế biên giới hoặc thực hiện công việc liên quan đến xạ trị, hóa trị, sinh học phân tử, y học hạt nhân.
Mức 50% và 40% phân bổ cho các công việc chuyên môn khác như gây mê, hồi sức, da liễu, chẩn đoán hình ảnh và y tế công cộng.
Theo đó, nếu một viên chức thực hiện nhiều công việc có mức phụ cấp khác nhau, chỉ được hưởng mức cao nhất. Người lao động hợp đồng làm các công việc tương tự sẽ được hưởng phụ cấp tùy theo nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.
Một số thời gian sẽ không được tính phụ cấp như thời gian đi học, nghỉ việc không lương, hoặc bị đình chỉ công tác từ 1 tháng trở lên.
Như vậy so với quy định hiện hành, dự thảo mới đã mở rộng tăng phụ cấp cho y tế dự phòng và y tế cơ sở, đặc biệt tại các vùng khó khăn. Ví dụ, bác sĩ tại trạm y tế ở vùng II, III (vùng dân tộc thiểu số và miền núi) có thể hưởng mức phụ cấp 70%.
Trước đó, mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
Bên cạnh đó, dự thảo mới bao gồm cả người lao động theo hợp đồng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (theo nghị định 111/2022/NĐ-CP), tạo sự công bằng hơn cho nhân viên hợp đồng. Trước đó, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề phạm vi áp dụng chủ yếu cho công chức, viên chức.
Dự thảo này được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế có trình độ tại cơ sở, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở và y tế dự phòng.
Đồng thời việc áp dụng mức phụ cấp ưu đãi hợp lý sẽ giúp giảm tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống y tế công lập./.
Theo VOV.VN