Nhức nhối nạn múc đất mặt ruộng đi bán ở Kim Sơn, Ninh Bình

Nhiều năm trở lại đây, cứ cuối năm về, trên địa bàn huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) rầm rộ diễn ra tình trạng khai thác trái phép đất mặt ruộng đi bán.

 

Nhiều năm trở lại đây, cứ cuối năm về, trên địa bàn huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) rầm rộ diễn ra tình trạng khai thác trái phép đất mặt ruộng đi bán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Có mặt trên những cánh đồng ruộng ải tại huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) thời điểm này không khó để bắt gặp những hình ảnh người cùng phương tiện ngang nhiên khai thác đất mặt ruộng trái phép nhằm phục vụ các mục đích khác nhau. Những cánh đồng lúa này là "bờ xôi ruộng mật". Lớp đất mặt ruộng là lớp đất màu mỡ nhất, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Việc lấy đi lớp đất này sẽ làm giảm đáng kể năng suất của ruộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động khai thác trái phép đất mặt ruộng đi bán diễn ra công khai tại xã Đồng Hướng.

Ghi nhận trong những ngày gần đây tại xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) tình trạng khai thác đất mặt ruộng trái phép diễn ra rầm rộ. Những người vi phạm dùng hàng loạt máy múc công suất lớn, tập trung khai thác cả ngày lẫn đêm lên nhiều xe tải, công nông chở đi san lấp, mua bán, thu lợi bất chính.

Theo người dân sống trên địa bàn, từ nhiều năm nay, dựa vào việc "san ghềnh, lấp trũng" nhằm tạo ra những cánh đồng bằng phẳng, thuận lợi cho việc canh tác, tưới tiêu, nhiều đối tượng lợi dụng để khai thác số lượng lớn đất mặt ruộng "phì nhiều" đi bán cho những người có nhu cầu trồng cây cảnh, làm vườn hay san lấp,...với giá rất cao. Cụ thể, mỗi xe đất được bán với giá dao động từ 200.000 - 1000.000 đồng.

Hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) cho biết: "Chúng tôi không có chủ trương cho người dân lấy đất mặt ruộng đi bán, sau khi phối hợp với lực lượng công an nắm tình hình, ngày 8/12, lực lượng chức năng của xã Đồng Hướng đã bắt quả tang 2 người và 2 phương tiện đang múc đất trái phép đi nơi khác. Hiện người và tang vật đã được tạm giữ và công an đang hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, qua nắm bắt tình hình, hiện trên địa bàn huyện Kim Sơn đang đổ ải vụ Đông Xuân, thời gian này ruộng đang khô nên xảy ra tình trạng người dân đào đất đắp ốp vào thổ, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, khai thác lớp đất mặt vận chuyển đi bán hoặc dùng san lấp công trình dẫn đến vi phạm lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Các đối tượng thực hiện khai thác cả ngày lẫn đêm.

UBND huyện Kim Sơn chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, thường xuyên kiểm tra, giám sát để quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nhất là việc sử dụng đất và mục đích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, khai thác trái phép đất mặt ruộng theo quy định. UBND huyện Kim Sơn yêu cầu UBND xã Đồng Hướng kiểm tra, xác minh tình trạng khai thác đất mặt ruộng trái phép trên địa bàn.

UBND huyện Kim Sơn yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện theo nội dung trên. Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, phối hợp với UBND các xã, thị trấn tham mưu cho UBND huyện trong việc quản lý, sử dụng, khai thác và cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn huyện theo thẩm quyền, đảm bảo công tác quản lý đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng đúng quy định. UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện báo cáo về UBND huyện để xem xét chỉ đạo.

Trước đó, vào cuối năm 2023, cũng xảy ra tình trạng khai thác đất ruộng rầm rộ với quy mô lớn tại xã Lai Thành (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Ngay sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, UBND huyện Kim Sơn cũng đã ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, theo người dân, cứ sau những cuộc ra quân xử lý nghiêm, đến hẹn lại lên, tình trạng khai thác đất ruộng đâu lại vào đó. Những nơi có diện tích đất mặt ruộng bị đào thì năng suất những vụ lúa tiếp theo thường không cao, lúa dễ bị đổ ngã do nền đất mềm, tốn nhiều công chăm sóc, phân bón so với các vụ trước.

Việc lấy đất mặt ruộng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Đất mặt ruộng là tài nguyên, muốn khai thác phải làm thủ tục và đóng thuế. Lấy đất mặt ruộng như lấy đi độ phì nhiêu, màu mỡ được tích tụ qua nhiều năm trên đất…phải mất nhiều năm đất mới cải tạo, phục hồi nguyên trạng.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận