Bước ra từ chiến tranh, đất nước còn muôn vàn khó khăn, thách thức, Quân đội gánh trên mình nhiều nhiệm vụ quan trọng, vừa giữ vững hòa bình, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, vừa đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống chưa có trong tiền lệ. Nhưng dù trên mặt trận nào, thời điểm khó khăn, thử thách nào, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy, trên những trận truyến mới này, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã vượt lên như thế nào?
Cách đây hơn 4 năm, ngày 23/1/2020, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hiểm họa khôn lường, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân trên khắp thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Đứng trước cuộc chiến với loại “giặc mới”, chưa có trong tiền lệ, cán bộ, chiến sĩ toàn quân bước vào trận tuyến mới với bao khó khăn, gian khổ. Vào thời điểm đó, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã truyền đi lời hiệu triệu đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ toàn quân.
"Chúng ta đã đi qua nhiều cuộc trường chinh để giữ gìn đất nước, non sông này. Đây lại là một cuộc trường chinh mới, một cuộc chiến mới. Tôi tự hào có các đồng chí là những bác sĩ, những người làm công tác quân y trong quân đội nhân dân Việt Nam. Các đồng chí có đủ trình độ, đủ năng lực, đủ khả năng để chúng ta chống lại đợt dịch Covid-19 này. Tôi tin các đồng chí sẽ là những tấm gương sáng để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ; dứt khoát chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, giúp cho nhân dân khắc phục được hậu quả của bệnh dịch Covid-19" - Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã truyền đi thông điệp như vậy.
Đối mặt với giặc Covid-19, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã gác lại niềm riêng để xông pha, dấn thân trên tuyến đầu gian khó, từ việc quản lý đường biên ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, đến việc tổ chức tiếp tế lương thực, thực phẩm trong các khu cách ly, tổ chức an táng, bàn giao hài cốt của những đồng bào thiệt mạng cho gia đình và người thân chu đáo, an toàn, trang nghiêm và trọng thị. Cán bộ, chiến sĩ quân đội, họ đã hi sinh niềm riêng của mình vì đồng bào, vì Tổ quốc.
Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không quên về những ngày tháng bùng dịch cao điểm đó, Lực lượng vũ trang Thành phố đã đến với Nhân dân bằng cả tấm lòng và nghĩa tình sâu nặng:" Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Thế thì, khi mà số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tăng cao, việc xử lý thi hài quá tải và không bảo đảm an toàn. Những người lính như chúng tôi cảm thấy rất là xót xa. Do đó mà cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thành phố đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không sợ nguy hiểm, coi người tử vong vì Covid-19 như người thân của mình, thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần tự nguyện, tự giác, góp phần quan trọng giải quyết khó khăn trong việc xử lý thi hài nạn nhân tử vong do Covid-19, chăm lo chu toàn đối với người đã khuất, đồng thời góp phần an ủi và làm ấm lòng đối với người thân và gia đình các nạn nhân".
Những năm gần đây, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường và khó đoán định. Những trận siêu bão đổ bộ vào đất liền gây nên những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Mới đây, cơn bão số 3 - Siêu bão Yagi đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, nhiều bản làng mất trắng chỉ sau một đêm, nhiều thành phố, làng mạc tan hoang như vừa hứng chịu trận bom rải thảm. Trong khó khăn đó, bộ đội đã chủ động tìm đến nhân dân giúp dân khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết: "Đúng như chỉ đạo của Bộ trưởng là Bộ đội chủ động tìm đến dân, chứ không để dân khó khăn tìm đến bộ đội. Có thể nói rằng công tác ứng phó với bão số 3 thì các đơn vị của chúng ta, đặc biệt là hướng Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tập trung các lực lượng, phương tiện và đẩy nhanh tiến độ giúp nhân dân, giúp chính quyền địa phương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống của nhân dân trên các địa bàn đóng quân. Qua đó, thể hiện được trách nhiệm, tình cảm của quân đội đối với nhân dân. Và đấy cũng chính là trách nhiệm của quân đội trước Đảng và Nhà nước".
14 ngày dầm mình trong mưa lũ để tìm kiếm nạn nhân mất tích, giờ phút chia xa Làng Nủ, người dân nơi đây đã dành cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 những tình cảm sâu đậm. Cả người đi và người ở lại đều cố gắng dấu đi những giọt nước mắt. Trong khó khăn, trong thiên tai hoạn nạn, mới thấy hết tình cảm quân dân gắn bó và sâu nặng nghĩa tình.
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, trên dải đất hình chữ S này, thiên tai khắc nghiệt vẫn luôn hoành hành như muốn thử sức chịu đựng của cả dân tộc. Từ miền Bắc rét lạnh thấu xương, mưa lũ sập đất, đến dải đất miền Trung nắng cháy cỏ cây, tới miền Nam triều cường hạn mạn. Những thách thức xuất hiện và đến từ nhiều phía, thế nhưng trên trận tuyến nào, cán bộ, chiến sĩ Quân đội cũng luôn tỏ rõ bản lĩnh, sàng sàng xung kích nơi tuyến đấu gian khó, để bảo vệ cuộc sống bình yên, giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân. Giữa thời bình mà vẫn còn đó những mất mát hy sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đó là những hy sinh khó nói hết thành lời: "Mỗi một giai đoạn cách mạng, mỗi một thời kỳ thì Quân đội chúng ta có những nhiệm vụ cụ thể. Nhưng mối quan hệ quân dân thì không thay đổi. Quân đội nhân dân thì phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Quân đội nhân dân là mang lại đời sống hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân. Cho nên, tôi cho là trong điều kiện hiện nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục chống lại các loại kẻ thù, các lực lượng thù địch. Nhưng phải nói rằng, thời gian vừa qua tại một số vùng lũ lụt, tôi thấy hình ảnh bộ đội Cụ Hồ bơi giữa dòng lũ, chấp nhận hy sinh để cứu dân. Tôi cho rằng sự hy sinh đó cũng không kém gì sự hy sinh trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm trước đây. Những hình ảnh hết sức đẹp, mãi mãi khắc ghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam".
Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới, những vấn đề an ninh phi truyền thống mới đang nổi lên ngày càng phức tạp, công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc cần được tiếp cận linh hoạt theo bối cảnh của thời đại. Do vậy, việc tập trung xây dựng và phát triển quân đội cần bảo đảm vừa đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc vừa không tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế. Quân đội cần có số lượng, quy mô hợp lý những vẫn bảo đảm khả năng tác chiến, chiến đấu và chiến thắng, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Theo VOV.VN