Những hỗ trợ hiện hành cho bệnh nhân lao

Hàng loạt chính sách và chương trình hỗ trợ đã được triển khai nhằm giảm bớt gánh nặng cho người mắc bệnh lao.

 

Tại Việt Nam, hàng loạt chính sách và chương trình hỗ trợ đã được triển khai nhằm giảm bớt gánh nặng cho người mắc bệnh lao, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, những thách thức hiện hữu đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện hơn để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Những hỗ trợ hiện hành cho bệnh nhân lao ở Việt Nam

Từ tháng 7/2022, việc cấp thuốc chống lao hàng 1 đã được chuyển sang sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT), mang lại lợi ích lớn cho người bệnh. Ngoài ra, Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác nhằm giúp bệnh nhân an tâm điều trị.

Trong những năm qua, các nỗ lực chống lao tại Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với việc thực hiện các nghị quyết quan trọng như Trung ương 6 khóa XII, Chiến lược Quốc gia Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, và Chương trình mục tiêu Y tế Dân số. Hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương cũng đồng nhất phác đồ điều trị, đồng thời huy động mạnh mẽ sự hỗ trợ từ quốc tế và các đối tác trong nước.

Sự quan tâm và hỗ trợ là động lực để người bệnh lao tuân thủ điều trị.

PASTB là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Quỹ hỗ trợ mua thẻ BHYT cho bệnh nhân lao không có thẻ BHYT & đồng chi trả, hỗ trợ một số trường hợp bệnh nhân lao khó khăn. Ngoài ra, Quỹ còn có các chính sách trợ giúp xã hội như hỗ trợ tiền mặt hàng tháng trong quá trình điều trị, hỗ trợ dinh dưỡng; đi lại; hỗ trợ tâm lý - xã hội (đặc biệt với bệnh nhân lao kháng thuốc); hỗ trợ tìm việc làm; đảm bảo thu nhập…

Một số chính sách và hỗ trợ hiện hành cho bệnh nhân lao gồm có: Ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BYT quy địnhvề khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao; Thành lập “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao” (PASTB); Huy động thành công các nguồn kinh phí trong và ngoài nước hỗ trợ công tác khám, phát hiện, chẩn đoán điều trị và hỗ trợ tâm lý – xã hội cho bệnh nhân lao/ lao kháng thuốc/ lao siêu kháng thuốc;

Ngoài ra, có thể kể đến Xét nghiệm Gene Xpert, Soi đờm, Chụp XQ miễn phí tại cộng đồng do Chương trình chống lao Quốc gia, kết hợp với trung tâm y tế, các tổ chức/đơn vị liên quan khác tại địa phương tổ chức; các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân lao/ lao kháng thuốc/ siêu kháng thuốc thuộc dự án quỹ toàn cầu,... giúp người bệnh phát hiện sớm và phần nào vơi đi gánh nặng trong điều trị bệnh lao.

Những chính sách và hỗ trợ hiện hành này không chỉ giảm chi phí điều trị cho người bệnh mà còn giúp đẩy mạnh kiểm soát bệnh lao tại cộng đồng, đóng góp quan trọng trong nỗ lực đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage) tại Việt Nam.

Những khó khăn còn đó

Dù đạt được nhiều thành tựu, công tác phòng chống bệnh lao tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Hiện tại, 12/63 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên trách để triển khai các can thiệp phòng chống lao. Trong khi đó, mô hình y tế tuyến huyện chưa đồng nhất tại 63 địa phương gây ra các khó khăn khi cung cấp các dịch vụ khám bệnh lao từ bảo hiểm y tế.

Nguồn kinh phí viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống lao có xu hướng giảm dần trong khi ngân sách địa phương cho hoạt động này còn hạn chế. Nhận thức của người dân về bệnh lao đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn chưa đầy đủ. Còn tồn tại sự kỳ thị hướng đến người mắc lao trong cộng đồng, tạo nên rào cản vô hình trong việc tìm kiếm và tiếp cận dịch vụ dự phòng và điều trị bệnh lao.

Bên cạnh đó, dù có những hỗ trợ quan trọng thể hiện sự nỗ lực vượt bậc hướng đến bệnh nhân lao. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ đối với người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Quản lý Chương trình Sức khỏe và An sinh thuộc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), nhận định: "Ngoài chi phí liên quan đến y tế, người bệnh lao đối mặt với áp lực kinh tế và nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói vì phải nghỉ làm/mất việc trong quá trình điều trị, cộng thêm các chi phí gián tiếp liên quan khác như bổ sung dinh dưỡng, di chuyển khám bệnh định kỳ,... Nếu không tăng cường hỗ trợ, gánh nặng về chi phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận và tuân thủ điều trị của người bệnh".

Hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, phần lớn là người nghèo, điều này cũng đồng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thách thức để có thể loại trừ căn bệnh này khỏi cộng đồng.

Để đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát hiện sớm, không kỳ thị, và tuân thủ điều trị. Đặc biệt, việc đảm bảo 100% bệnh nhân lao được hỗ trợ BHYT, tập trung vào những người có nguy cơ cao mắc lao nhưng gặp rào cản trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, là yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ phát hiện và điều trị thành công.

Bằng cách lồng ghép chính sách an sinh xã hội và tăng cường nguồn lực hỗ trợ, hướng tới đạt được UHC trong dự phòng và điều trị bệnh lao, Việt Nam có thể tiến gần hơn đến mục tiêu loại trừ bệnh lao khỏi cộng đồng và chấm dứt căn bệnh này vào năm 2035./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận