Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, rào cản

Quá trình chuyển đổi số nếu mang lại lợi ích, doanh nghiệp sẽ tìm cách để đầu tư và triển khai áp dụng, nhưng khó khăn nhất vẫn là nhận thức...

 

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) được đánh giá làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp, đưa tỷ trọng của những ngành khai thác giảm dần và tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo tăng dần. Tuy nhiên để phát triển kinh tế số ngành Công Thương nói chung, cũng như số hóa các lĩnh vực công nghiệp một cách bền vững, hiện vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, rào cản.

Từ thực tế của 1 DN khởi nghiệp, TS.Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors cho rằng, 1 DN khởi nghiệp nếu để đầu tư 1 nhà máy kết nối IoT toàn bộ, đồng bộ một cách tự động sẽ rất là khó khăn. Tuy nhiên, các DN phải nhận thức được vai trò của dữ liệu, việc thu thập các dữ liệu sản xuất mới có thể có những phân tích và hiểu hơn về quá trình sản xuất của DN, từ đó mới có thể cải tiến hiệu quả toàn bộ chuỗi sản xuất.

“Các DN phải nhận thức được vai trò của CĐS, từ đó chọn những khâu quan trọng nhất để tính đến số hóa từ truyền thống đến hiện đại, ngay từ cách thu thập dữ liệu có thể không theo tính thời gian thực nhưng theo từng ngày đã rất hữu ích. Nếu như CĐS mang lại lợi ích DN sẽ tìm cách để đầu tư vào và triển khai áp dụng, nhưng khó khăn nhất vẫn là nhận thức khi DN chưa nhìn thấy được lợi ích của CĐS”, ông Nguyên nêu quan điểm.

Thời gian qua, nhiều ý kiến DN cho rằng, nhiều hoạt động số hóa thất bại có tới 40% nguyên nhân từ văn hóa số và văn hóa con người. Đồng thời, bài toán nguồn nhân lực là yếu tố trọng tâm trong quá trình CĐS của các nhà sản xuất. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực, TS. Đặng Trọng Hợp, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, xác định nhân tố con người có tính chất là then chốt, trong những năm vừa qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã liên tục đổi mới, cải tiến các chương trình đào tạo, đặc biệt là mở mới các chương trình đào tạo theo xu hướng và nhu cầu xã hội cần.

Nhận thấy việc triển khai hoạt động CĐS của ngành Công Thương bên cạnh một số các kết quả nhất định vẫn tồn tại nhiều khó khăn, ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chỉ ra mức độ sẵn sàng CĐS trong khối DN hiện tại còn khá thấp. Không có nhiều DN nhỏ như các DN khởi nghiệp có điều kiện, hay nguồn lực để tiếp cận những chương trình, những giải pháp CĐS hiệu quả.

“Hoạt động CĐS đến thời điểm hiện tại vẫn còn đang tập trung vào những DN có quy mô lớn, nhất là những DN có nguồn vốn FDI. Ngoài ra, AI cũng đã và đang ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất. Đồng thời, mô hình quản trị của các DN muốn CĐS chắc chắn sẽ phải thay đổi quy trình, đó là chưa nói đến các DN nhỏ rất khó tiếp cận với những dây chuyền, công nghệ tiên tiến nhất để thực hiện quá trình CĐS của mình”, ông Nguyên nói.

Với những khó khăn từ DN và cơ quan quản lý đưa ra có thể nhận thấy, đa phần đều là những khó khăn mang tính chủ quan, các DN hoàn toàn có thể tự cải thiện được để làm sao giảm bớt khó khăn, giúp cho cái quá trình CĐS của DN nhanh hơn. Ông Nguyễn An Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, rõ ràng các DN phải thay đổi nhận thức trong việc sẵn sàng đáp ứng quá trình CĐS. Cần xác định CĐS là một quá trình, không phải là đích đến, bởi công nghệ đang thay đổi hàng ngày.

Nguồn nhân lực đáp ứng công việc kỹ thuật cao, có tính chất sáng tạo hơn mới có thể đáp ứng và tồn tại được trong xu hướng chuyển đổi số.“Hôm nay công nghệ có thể là mới, nhưng ngày mai có thể không còn mới nên DN phải nhận thức rõ ràng điều này diễn ra trong cả một quá trình CĐS. Từ nhận thức này mới sẵn sàng thay đổi, sửa đổi các quy trình sản xuất cũng như sửa đổi những quy định không còn phù hợp, làm sao áp dụng được bài học kinh nghiệm trong thực tiễn của hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mình”, ông Sơn khẳng định.

Ở phía DN, TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors bày tỏ, mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là ý chí của người đứng đầu khi nhìn nhận, đánh giá đúng nhu cầu CĐS của DN để có lộ trình phù hợp. Để có sự chuyển đổi này, các Hiệp hội, đơn vị đào tạo có thể có nhiều thêm các hoạt động đào tạo lãnh đạo DN để họ nhận thức được vai trò của CĐS.

Theo TS. Đặng Trọng Hợp, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội, ứng dụng AI đang có mặt rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất khó, nếu chỉ đào tạo nhân lực chất lượng thấp, chỉ có thể đáp ứng được ở những vị trí công việc giản đơn. Điều này đòi hỏi các trường đại học, các cơ sở giáo dục phải nâng cao chất lượng đào tạo những kỹ sư, cử nhân làm ở các vị trí công việc cao hơn, có tính chất sáng tạo hơn mới có thể đáp ứng và tồn tại được trong xu hướng CĐS.

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tiếp tục xu hướng dịch chuyển và xu hướng CĐS, DN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo ra những bước phát triển mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Quá trình CĐS trong lĩnh vực công nghiệp không chỉ nhờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hướng dẫn của các chuyên gia, còn là sự quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cũng như sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên trong mỗi DN.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận