Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Theo đó, đến năm 2025, toàn quân sẽ hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh. Đây được coi là những dấu mốc quan trọng mang tính đột phá trong việc phát triển lực lượng trong toàn quân, bảo đảm cho quân đội vừa có quân số, trang bị kỹ thuật hợp lý vừa nâng cao khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Phát triển lực lượng quân đội phù hợp với tính chất của thời bình
Kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có hàng triệu quân thường trực được biên chế ở các quân khu, quân đoàn và các quân chủng, binh chủng trong toàn quân. Đây là một lực lượng rất lớn, nếu duy trì lâu dài sẽ tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế đất nước. Trước tình hình đó, lực lượng quân thường trực được cắt giảm, giải quyết cho xuất ngũ, đi học nghề, trở về địa phương, tiếp tục nhiệm vụ phát triển kinh tế. Cũng theo đó, các đầu mối quân khu được rút giảm, các quân đoàn trong quân khu được giải thể, các sư đoàn đủ quân được chuyển đổi, rút gọn thành các đoàn kinh tế, quốc phòng và đơn vị khung thường trực.
Trung tướng Đào Tuấn Anh, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết: Đó là bước đi để xây dựng và phát triển lực lượng quân đội phù hợp với tính chất của thời bình, và từng bước xây dựng quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh.
“Thực tiễn sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, Đảng đã lãnh đạo thực hiện điều chỉnh lớn về tổ chức, lực lượng quân đội. Từ 11 quân khu và 2 bộ tư lệnh thành phố rút gọn thành 8 quân khu. Đặc biệt sau chiến tranh bảo vệ biên giới, Quân đội đã giải thể một số quân đoàn trong quân khu. Một số sư đoàn đủ quân trở thành sư đoàn khung thường trực. Năm 2008 tổ chức Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, thực hiện giảm đáng kể quân số, bảo đảm duy trì quân số hợp lý theo hướng tinh, gọn, mạnh” - Trung tướng Đào Tuấn Anh cho hay.
Tính đến cuối tháng 6/2024, toàn quân đã điều chỉnh trên 2.700 tổ chức; xây dựng hơn 1.200 biểu tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn. Đến thời điểm hiện nay, toàn quân đã thành thành lập mới một số đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân và các binh chủng, để góp phần nâng cao sức mạnh của các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Tiến hành giải thể các trường dạy nghề và một số cơ quan, đơn vị có trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ hoặc là chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp trong tình hình mới. Đồng thời, điều chuyển một số cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng về Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục; điều chuyển một số đơn vị thuộc các quân đoàn về các quân khu, các binh chủng; tiến hành sáp nhập và tổ chức lại một số bệnh viện, lữ đoàn vận tải thuộc các quân khu, sáp nhập phòng, ban hậu cần, kỹ thuật các cấp thành phòng, ban hậu cần - kỹ thuật. Giải thể Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, thành lập mới Quân đoàn 12, hoàn tất công tác chuẩn bị giải thể Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, thành lập mới Quân đoàn 34, Sáp nhập Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật thành Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.
Từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại
Theo Trung tướng Vũ Văn Sỹ, Cục trưởng Cục Quân lực, đó là những bước đi căn bản, tạo nền tảng để thực hiện cho được mục tiêu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại: “Tinh, gọn, mạnh là một trong những nội dung cốt lõi của xây dựng quân đội hiện đại. Tinh cả về con người, gọn về tổ chức và mạnh là sức mạnh tổng hợp của quân đội. Trong Nghị quyết chúng ta đề ra mục tiêu là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh. Phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Vì vậy ngay trong giai đoạn hiện nay, nếu chúng ta xây dựng được quân đội tinh, gọn, mạnh sẽ tạo tiền đề, một bước chuẩn bị rất lớn để năm 2030 chúng ta bước vào xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh và hiện đại”.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Việc điều chỉnh tổ chức, biên chế không phải là cắt, giảm một cách cơ học mà điều chỉnh tổ chức, biên chế nhưng vẫn bảo đảm cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
“Sáp nhập các đơn vị, giải thể các đơn vị, thành lập các đơn vị mới không phải là sáp nhập cơ học mà ở đây, chúng tôi muốn giảm đầu mối trung gian để tăng cường quân số, vũ khí trang bị cho các đơn vị thực tế làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu”-Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho hay.
Quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong điều chỉnh tổ chức biên chế, xây dựng quân đội tinh gọn mạnh, tiến lên hiện đại là bảo đảm giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh nhưng bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ hợp lý giữa các thành phần, các lực lượng, giảm đầu mối trung gian, đơn vị bảo đảm, phục vụ, phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân và khả năng bảo đảm vũ khí, trang bị. Các đơn vị sáp nhập, thành lập mới có tổ chức biên chế phù hợp với vũ khí, trang bị mới.
Trước mắt, ưu tiên một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp. Đồng thời, phát huy sức mạnh cả hệ thống trị trong quá trình triển khai thực hiện điều chỉnh, tăng giảm tổ chức, quân số của từng khối, từng quân chủng, binh chủng, bảo đảm cân đối giữa các lực lượng, giữa tổng quân số với khả năng của nền kinh tế đất nước.
Trung tướng Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng phân tích: “Xây dựng quân đội hiện đại là phải toàn diện cả về tổ chức, biên chế, trình độ quân sự, chính trị, về nghệ thuật quân sự, về phương thức tác chiến, cả về vũ khí, trang bị kỹ thuật và công tác bảo đảm, chứ không tuyệt đối hóa một yếu tố nào. Việc phải đầu tư mua sắm nhiều vũ khí hiện đại là vấn đề quan trọng, trong quá trình xây dựng quân đội hiện đại, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định đến xây dựng quân đội hiện đại, mà yếu tố cơ bản nhất phải là yếu tố con người. Do đó, để xây dựng quân đội hiện đại thì trước hết phải xây dựng quân đội hiện đại về mặt chính trị. Sau đó mới đến vũ khí, trang bị và các yếu tố khác, tránh tư tưởng thiên về vũ khí, trang bị mà bỏ qua các yếu tố khác”.
Như vậy, đến nay, cơ cấu tổ chức của Quân đội đã cơ bản đồng bộ, hợp lý, phù hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; giữa lực lượng thường trực với lực lượng dự bị động viên; giữa lực lượng chiến đấu với lực lượng bảo đảm; giữa lực lượng lục quân với các quân chủng, binh chủng. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, không đe dọa và không gây phương hại đến hòa bình thế giới. Chủ trương đó đã và đang được cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai bằng nhiều hình thức, vừa giữ vững môi trường hòa bình bên trong, vừa tạo sự tin cậy, ủng hộ từ bên ngoài. Qua đó, tạo nên vành đai vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trường Giang/VOV