Một trong những câu chuyện nóng ở Hà Nội dịp này chính là việc thành phố mở rộng thí điểm cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố. Có quá nhiều khía cạnh được mổ xẻ từ câu chuyện này, từ giá thuê, đến các nguyên tắc sử dụng, rồi lợi ích của các bên liên quan...
Nếu như bạn đặt một câu hỏi: Ý tưởng cho thuê vỉa hè ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM bắt nguồn từ đâu?
Tôi nghĩ những người đề xuất ý tưởng này đều ngại nói ra nguồn cơn thực sự của nó. Đó là: Nếu không cho thuê thì vỉa hè cũng sẽ bị chiếm dụng, theo cách này hoặc cách khác. Nên thay vì không thể quản lý được vỉa hè thì tốt nhất là cho thuê, ít nhiều còn thu được tiền.
Cho thuê vỉa hè để giải quyết vấn đề khó quản lý tình trạng chiếm dụng vỉa hè là một câu chuyện rất dài, và rất nhiều điều đáng nói. Nhưng thôi, tôi nghĩ chủ đề đó không phù hợp với một bài bình luận 5 phút. Vì thế, ở đây, tôi chỉ muốn nói đến một số điều mang tính nguyên tắc mà khi thực hiện việc cho thuê vỉa hè thì chính quyền đô thị cần cân nhắc.
Thứ nhất, không thể đấu giá vỉa hè ở những địa điểm liền kề với nhà dân, công sở, chỉ cho thuê khi chính những chủ sở hữu bất động sản liền kề với địa điểm đó có nhu cầu thuê. Bởi khi đấu giá vỉa hè thì có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể tham gia, và trong trường hợp người trúng đấu giá không phải chủ sở hữu bất động sản liền kề thì hệ lụy sẽ vô cùng phức tạp.
Sẽ có sự tranh chấp về không gian dẫn đến thù ghét, sẽ có sự ảnh hưởng tiêu cực về môi trường sống. Và đó cũng là lý do mà ở một số nước châu Âu, nơi có lịch sử đô thị lâu dài hơn chúng ta, một người muốn kinh doanh ở vỉa hè buộc phải có xác nhận sự đồng thuận của các hộ dân trong phạm vi tối thiểu 60m quanh địa điểm đó.
Thứ hai, việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh cần phải làm rõ giới hạn loại hình, cách thức kinh doanh, tùy thuộc vào đặc điểm không gian của địa điểm. Ví dụ không thể kinh doanh dịch vụ rửa xe, hay gia công cơ khí vì tiếng ồn và vệ sinh chẳng hạn.
Thứ ba, cần có tiêu chuẩn về thiết kế và dấu hiệu nhận biết cho các khu vực vỉa hè cho thuê để không phá vỡ thẩm mỹ, cảnh quan của các tuyến phố, không dẫn đến sự xung đột với hoạt động bộ hành của người dân.
Cuối cùng, công năng của vỉa hè trước tiên là để phục vụ người đi bộ, nên nguyên tắc là phải xác định chính xác chỉ giới vị trí cho thuê để không cản trở hoạt động bộ hành.
Việc cho thuê vỉa hè, về bản chất là một hành động thứ cấp, vốn dĩ không được đặt ra từ khâu thiết kế vỉa hè, nên dù với mục đích gì thì cũng tạo nên xung đột với lợi ích của cộng đồng. Việc đặt ra các nguyên tắc để hạn chế xung đột là cần thiết song không thể chỉ trông chờ vào các nguyên tắc đó để mà hy vọng sẽ kiểm soát được hoàn toàn hệ lụy từ việc cho thuê vỉa hè.
Tôi tin chắc rằng, khi áp dụng việc cho thuê vỉa hè, các lực lượng đảm bảo trật tự an ninh của thành phố sẽ phải vất vả hơn để giải quyết các vấn đề phát sinh, thậm chí số tiền thu được từ việc cho thuê vỉa hè sẽ không đủ để bù đắp chi phí quản lý hoạt động cho thuê này.
Nhu cầu lớn trong việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh là một thực tế. Tuy nhiên, hầu hết những vỉa hè hiện hữu không được thiết kế cho nhu cầu này. Ở một số khu đô thị mới, các dãy nhà liền kề đã bắt đầu thiết kế vỉa hè rộng, với một phần công năng được xác định từ đầu là để phục vụ kinh doanh vỉa hè.
Tôi nghĩ, đó là một hướng đi mà các thành phố cần áp dụng cho các tuyến phố mới. Đó là ngay từ đầu, hãy thiết kế vỉa hè với một phần công năng dành cho hoạt động kinh doanh.
Phạm Trung Tuyến/VOV-Giao thông