Sự vào cuộc quyết liệt các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, cùng với đó là các yếu tố thiên thời, địa lợi đã thúc đẩy công tác xoá nghèo nơi đây thành công ngoài mong đợi.
“Đâu là xã nghèo nhất tỉnh? Vì sao xã đó nghèo? Tỉnh đã có giải pháp gì chưa?” - nhắc lại những trăn trở của lãnh đạo Tỉnh uỷ Kon Tum thời điểm tháng 6/2020, ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum cho rằng, cùng với chủ trương đúng, nhân tố con người là quan trọng nhất tạo nên thành công trong công tác giảm nghèo.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác của Tỉnh ủy Kon Tum (gọi tắt là Tổ 262), ông Nguyễn Đức Tuy, cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện một cách sát sao, tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo từng sở ngành và cấp huyện, cấp xã, giúp người dân Mường Hoong, Ngọk Linh sớm thoát nghèo.
“Chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ là Tổ công tác 262 thường xuyên bám cơ sở, liên tục có tổ công tác ở dưới xã, thể hiện được vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc giúp nhân dân phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, bộ máy cán bộ, đảng viên ở cấp xã, cấp thôn cũng đã ý thức được, họ đã vào cuộc thực sự để cùng với nhân dân làm sao 2 xã này sớm thoát nghèo” - ông Tuy cho biết.
Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum khẳng định, chủ trương đúng, cán bộ, đảng viên vào cuộc quyết liệt, đời sống người dân sẽ dần ấm no.
Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy Kon Tum, các sở, ban, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã khẩn trương vào cuộc để có những sự giúp đỡ thiết thực và hiệu quả đối với 2 xã nghèo nhất tỉnh.
Ông Huỳnh Mười, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết, cùng với nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gần 100 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025), trong phân bổ ngân sách luôn dành những ưu tiên lớn nhất để tạo điều kiện cho 2 xã vươn lên. Tuyến tỉnh lộ nối trung tâm huyện Đắk Glei với Mường Hoong, Ngọk Linh và huyện Tu Mơ Rông dài hơn 100km đã cơ bản hoàn thiện, giúp giao thông, giao thương thuận lợi hơn.
Ông Huỳnh Mười thông tin, tỉnh đang xây dựng, mời gọi đầu tư 2 dự án trồng, nâng cao chế biến các sản phẩm dược liệu, tổng vốn dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng tại 2 xã, đây sẽ là động lực quan trọng để 2 xã tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
“Giúp đỡ 2 xã Mường Hoong, Ngọk Linh, quan điểm của chúng tôi là nên giao cần câu cho nhân dân. Trong việc phân bổ vốn và nguồn lực thì vẫn ưu tiên cho 2 xã khó khăn theo những tiêu chí. Ngoài ra, chúng tôi phải thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lên ngay địa bàn 2 xã, để từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân” - ông Mười nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Mười, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum thông tin, 2 dự án hơn 2.000 tỷ đồng đang thu hút đầu tư vào 2 xã Mường Hoong và Ngọk Linh.
Là cơ quan được giao chủ trì trong công tác vận động, tuyên truyền giúp người dân 2 xã nghèo nhất tỉnh thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ông Trịnh Ngọc Tâm, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Kon Tum cho biết, Ban đã tham mưu để tỉnh đưa đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ có năng lực ở các cơ quan, đơn vị chuyên môn về xã, về làng.
Theo ông Tâm: “Đời sống bà con khó khăn lắm, không đi mà ngồi một chỗ thì không thấy được, không hiểu được vấn đề bà con ở cơ sở khó khăn làm sao, đời sống, sinh hoạt thế nào. Cán bộ, đảng viên được tăng cường về là những cán bộ trẻ, có tâm huyết, có năng lực, họ xuống tuyên truyền, vận động áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những cái mới về tới xã, giúp dân, bám sát dân, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi, tập trung những mô hình kinh tế đạt hiệu quả”.
Cấp tỉnh có 23 sở, ban, ngành vào cuộc, cử cán bộ, đảng viên tham gia Tổ công tác của Tỉnh ủy Kon Tum về giúp dân Mường Hoong, Ngọk Linh. Tương ứng, huyện Đắk Glei cũng thành lập tổ công tác giúp đỡ 2 xã.
Ông Lê Viết Nam, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, 22 thôn, làng của 2 xã đều có tổ công tác bám địa bàn. Cán bộ, đảng viên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, cầm tay, chỉ việc hướng dẫn bà con làm cho có hiệu quả. Cán bộ tỉnh, huyện và xã thu hút đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các thôn, làng tích tham gia, gương mẫu đi đầu trong các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đã được quan tâm đầu tư đồng bộ để phát triển kinh tế, xã hội tại 2 xã Mường Hoong và Ngọk Linh.
Đến nay, thành công lớn nhất là đã giúp bà con thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Với những vườn sâm Ngọc Linh quốc bảo, những vườn cà phê trĩu quả, những luống sâm dây xanh mướt, giờ đây người dân không chỉ thoát nghèo mà còn nghĩ đến làm giàu. Theo ông Lê Viết Nam, thiên thời, địa lợi, nhân hoà, những điều kiện cần và đủ đã hội tụ để 2 xã nghèo Mường Hoong, Ngọk Linh vươn lên.
“Với sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bà con không những thoát nghèo mà có thể làm giàu, làm giàu trên chính quê hương của mình bằng các mô hình sản xuất. Chủ trương đúng, cán bộ quyết liệt và có sự vào cuộc, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thì chắc chắn cuộc sống của bà con sẽ thay đổi" - ông Nam bày tỏ.
22 thôn, làng của 2 xã nghèo nhất tỉnh đều có tổ công tác bám địa bàn. Cán bộ, đảng viên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, cầm tay, chỉ việc hướng dẫn bà con làm cho có hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ có năng lực ở các cơ quan, đơn vị chuyên môn về xã, về làng đã giúp bà con thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, sản xuất hiệu quả hơn.
Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng, đưa Chỉ thị của Ban Bí thư vào thực tiễn, tỉnh Kon Tum đã thành công trong công tác xoá đói, giảm nghèo ở 2 xã nghèo nhất tỉnh là Mường Hoong và Ngọk Linh (huyện Đắk Glei). Chủ trương đúng, cán bộ, đảng viên vào cuộc quyết liệt, đời sống người dân đang dần ấm no. Thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn, tự tin đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng là yếu tố then chốt để người Xơ Đăng trên vùng núi cao này thoát nghèo. Với các mô hình sản xuất hiệu quả dựa trên lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu, cây cà phê, cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, đã và đang nhân rộng là nền tảng vững chắc giúp người dân tự tin thoát nghèo và tiến tới làm giàu.
Từ thành công và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xoá nghèo ở 2 xã Mường Hoong, Ngọk Linh, Tỉnh uỷ Kon Tum đang tiếp tục nhân rộng cách làm với việc giúp 57 thôn ở 8 xã đặc biệt khó khăn khác của tỉnh. 58 cơ quan, đơn vị đã được phân công cụ thể để giúp đỡ từng thôn xoá nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình xoá nghèo ở 2 xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum đã cho thấy thực tiễn sinh động trong triển khai nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Trung ương trong công tác giảm nghèo.
Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Việc xoá nghèo ở 2 xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum đã thấy vai trò của Đảng đã được phát huy: Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt giúp thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát huy nội lực từ nhân dân. Đó là thực tiễn sinh động trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xoá đói, giảm nghèo theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng.
Theo VOV.VN