Nhưng cùng với đó là nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề cần sớm có giải pháp để đáp ứng nhu cầu người bệnh.
Câu hỏi đang đặt ra ngay lúc này là khi Luật đi vào thực hiện thì khi nào có hướng dẫn, danh mục bệnh để người bệnh thuận lợi khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tránh những phiền hà, khó khăn.
Việc xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện sẽ được tính toán, cân nhắc ra sao để đáp ứng quyền lợi của người bệnh nhưng cũng tránh để bệnh viện tuyến cuối thêm quá tải.
Để trả lời câu hỏi này cần những đóng góp từ các chuyên gia y tế, các bệnh viện tuyến trung ương để quy định mới về chuyển viện được người bệnh và bệnh viện có thể áp dụng dễ dàng.
Danh mục bệnh được miễn giấy chuyển viện cũng cần được tính toán, sàng lọc kỹ và phân loại một cách phù hợp, bởi nếu bệnh nhân ung thư nào cũng lên thẳng tuyến cuối thì bệnh viện tuyến cuối sẽ quá tải. Vì vậy cần có danh mục, quy định rõ ràng các điều kiện chuyển viện để khi luật đi vào cuộc sống.
Một lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội cho rằng, danh mục bệnh không cần giấy chuyển tuyến có thể áp dụng với những bệnh nhân đã được chuyển tuyến 1 năm 1 lần không cần xin giấy chuyển viện. Bên cạnh đó, với những bệnh nhân đã điều trị ổn định sẽ được đưa về y tế tuyến dưới để điều trị tiếp.
Để hạn chế thấp nhất những bất cập nảy sinh, Bộ Y tế cần nghiên cứu, quy định chi tiết, hợp lý danh mục các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo. Dựa trên căn cứ này, người dân khi mắc sẽ được thực hiện thủ tục thông tuyến chuyển tuyến nhanh nhất.
Một câu hỏi lớn nữa là làm sao để những người bệnh hiểm nghèo không phải vượt hàng trăm cây số để đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến cuối. Khi chất lượng giữa các tuyến không đồng đều thì người dân sẽ đổ về các bệnh viện lớn, dẫn đến bệnh viện lớn thì quá tải, kéo theo đó chất lượng khám chữa bệnh sẽ giảm xuống, ngược lại bệnh viện huyện, tỉnh thì thưa thớt, vắng vẻ.
Nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối đã được các nhà quản lý chỉ ra từ nhiều năm nay. Đã có hàng trăm cuộc họp, rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng “bệnh” quá tải thì vẫn ngày càng trầm trọng và gần như chưa có giải pháp nào triệt để.
Chữa “bệnh” quá tải có lẽ giải pháp căn cơ vẫn nằm ở việc có cơ chế nâng cao năng lực của tuyến dưới để người bệnh gắn bó với y tế cơ sở, không nhất thiết phải lên tuyến trên gây tốn kém, mất thời gian, vất vả.
Chúng ta cần phát triển hệ thống y tế cơ sở là hệ thống ở gần người dân nhất, khi người dân có bất cứ có vấn đề về sức khỏe thì ngay từ sớm sẽ được hệ thống bác sỹ y tế cơ sở thăm khám, chăm sóc và điều trị kịp thời và người dân không phải quá vất vả di chuyển vất vả đến tuyến Trung ương.
Bệnh viện tuyến Trung ương cần làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ phát triển chuyên ngành và chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế và quan tâm; chú trọng hơn nữa tới đội ngũ y tế cơ sở để họ thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân dân.
Bệnh viện tuyến Trung ương khi đó sẽ có điều kiện tập trung phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu để triển khai thành công và tiếp tục đưa xuống tuyến y tế cơ sở. Chỉ có như vậy thì hệ thống y tế nước ta mới phát triển một cách đồng bộ, toàn diện và người dân được chăm sóc một cách tốt nhất.
Nguyễn Yên - Phan Nhơn/vovgiaothong.vn