83 tiêu chí chất lượng bệnh viện: Lấy người bệnh làm trung tâm

Qua 11 năm thực hiện, 83 tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra đang định hướng các bệnh viện tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế...

 

Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị”, từ năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện”. Qua 11 năm thực hiện, 83 tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra đã và đang khuyến khích, định hướng các bệnh viện tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để từng bước đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Vậy các bệnh viện đã có những thay đổi tích cực ra sao khi thực hiện 83 tiêu chí về chuyên môn, nguồn nhân lực, hướng đến người bệnh, cải tiến chất lượng…?

Trong số 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, tiêu chí về hoạt động chuyên môn chiếm tới gần một nửa, với 38 tiêu chí. Đây là áp lực lớn đối với những bệnh viện tuyến huyện khi chất lượng chuyên môn nhiều nơi còn hạn chế. Nhưng đây cũng là động lực để y tế cơ sở bứt phá vươn lên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ cho biết, để thực hiện được các tiêu chí về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Trung tâm đã trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, thường xuyên mời các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện tỉnh về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật các chuyên ngành: Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Hồi sức cấp cứu... Ngoài ra, trung tâm còn tham gia vào hệ thống khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện tuyến cuối như: Bạch Mai; Ung bướu Hà Nội, Nội tiết Trung ương để được các chuyên gia đầu ngành giúp hội chẩn từ xa các ca bệnh khó. Nhờ đó, từ một đơn vị y tế trung bình, đến nay Trung tâm Y tế Thanh Sơn đã trở thành bệnh viện hạng 2, đang xây dựng thêm toà nhà 5 tầng để đáp ứng nhu cầu người dân đến khám ngày càng đông, sắp vượt quá quy mô 500 giường bệnh.

“Thực hên 83 tiêu chí mà Bộ Y tế đã ban hành, chúng tôi tập trung nâng cao năng lực chuyên môn để đào tạo cán bộ chuyên khoa sâu, thực hiện những kỹ thuật mới. Thứ 2 là tăng cường công tác y đức, đặc biệt là liên quan đến chăm sóc người bệnh. Thứ 3 là tạo mọi nguồn lực đầu tư mua sắm những trang thiết bị phục vụ thực hiện các kỹ thuật mới. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp bền vững, môi trường thân thiện", bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hoa nói.

Với các cơ sở y tế tuyến tỉnh, việc thực hiện các tiêu chí nâng cao chất lượng bệnh viện cũng là vấn đề sống còn để “giữ chân” bệnh nhân. Nhằm giảm tỷ lệ bệnh nhân tự vượt tuyến hoặc phải chuyển lên tuyến Trung ương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc sau khi được xây dựng cơ sở mới khang trang như khách sạn đã không thực hiện phòng bệnh dịch vụ, tức là mọi bệnh nhân đều được sử dụng chất lượng dịch vụ như nhau.

Hiện nay, không chỉ thực hiện được phần lớn danh mục kỹ thuật chuyên môn do sở Y tế phê duyệt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc còn đang đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật cao. Đến nay đã thực hiện được 60% các kỹ thuật của tuyến Trung ương. Điều này giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.

Nhiều bệnh viện đầu tư thiết bị y tế hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.“Tôi là Đặng Văn Cần 72 tuổi, xã Tân Lập, huyện Sông Lô, Phú Thọ, bị phồng 2 đĩa đệm và thoát vị cột sống. Nhờ đội ngũ bác sĩ Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc, nhập viện ở đây tôi không phải lên tuyến trên, không phải ăn đợi nằm chờ…”

“Tôi là Nguyễn Thị Hiền ở Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Tôi bị tai nạn, gãy xương đốt sống, được các bác sĩ phẫu thuật, bơm xi măng nên đi được rồi, chứ từ lúc ngã không đi được".

Ngoài 38 tiêu chí hoạt động chuyên môn, bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế còn có 19 tiêu chí hướng đến người bệnh, 14 tiêu chí phát triển nguồn nhân lực, 8 tiêu chí cải tiến chất lượng và 4 tiêu chí đặc thù chuyên khoa. Từ khi ban hành 83 tiêu chí đến nay, hàng năm Bộ Y tế đều tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đánh giá, chấm điểm…

Đối với bệnh viện tuyến Trung ương, các hạng mục khó thực hiện nhất là những tiêu chí hướng đến người bệnh, vì ở tuyến cuối thường quá tải bệnh nhân và tại nhiều khoa phòng, người bệnh phải nằm ghép. Từng bước thực hiện những tiêu chí này, mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành mở rộng khung giờ khám bệnh đến 21 giờ, áp dụng công nghệ để người dân đặt lịch đến khám, góp phần giảm thời gian chờ đợi của người dân, nhất là lúc cao điểm bệnh viện tiếp nhận tới 10.000 người đến khám/1 ngày.

Còn tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc bệnh viện cho biết, lúc đầu thực hiện 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, đơn vị gặp nhiều khó khăn vì cùng một lúc phải giải quyết nhiều vấn đề, nhưng đến nay, bệnh viện đã phát triển toàn diện, dù lượng bệnh nhân mỗi năm tăng lên khoảng 20%.

“Lúc đầu thực hiện 83 tiêu chí, với sự giám sát của các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, chúng tôi cảm thấy rất áp lực và phiền phức, bị nhắc nhở nhiều vì đạt số điểm thấp. Nhưng sau đó, chúng tôi nhận ra rằng, chất lượng bệnh viện là vấn đề quan trọng, không chỉ là phẫu thuật giỏi mà còn ở mọi khía cạnh, từ kỹ thuật cao, phương pháp mới, giao tiếp ứng xử, chăm sóc người bệnh (từ vấn đề nhỏ nhất là chiếc giường, cái chăn...) để hướng tới sự hài lòng của người bệnh…", PGS.TS Nguyễn Công Hoàng cho biết.

Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí do Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng và đề xuất thực hiện trong toàn ngành 11 năm qua đã đem lại những thay đổi lớn cho ngành y tế. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, trong năm 2024, 1.645 bệnh viện trong cả nước đã khám cho hơn 170 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú và điều trị nội trú cho hơn 17 triệu lượt người bệnh. Chất lượng hệ thống bệnh viện được nâng lên, tuy chưa đồng đều, nhưng đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành.

“Năm 2024, ngành Y tế đã hoàn thành 03/03 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó vượt 02 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (kế hoạch giao là 13,5, thực hiện đạt 14 bác sĩ) và số giường bệnh/vạn dân (kế hoạch 32,5, thực hiện 34 giường bệnh) , đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (94,1%). Bộ Y tế cũng đạt và vượt 8/9 chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2024", ông Lê Đức Luận cho biết.

Ngày 16/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1576/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có 6 bệnh viện được ưu tiên đầu tư nâng cấp ngang tầm quốc tế gồm các bệnh viện: Bạch Mai; Hữu nghị Việt Đức; Trung ương Huế; Chợ Rẫy; Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 175. Việc thực hiện 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện sẽ góp phần giúp 6 bệnh viện này sớm “về đích” trong mục tiêu phát triển ngang tầm quốc tế. Còn với các bệnh viện khác, việc thực hiện 83 tiêu chí để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một xu thế tất yếu của sự phát triển, nếu không muốn thiếu vắng bệnh nhân, thu nhập giảm, khi mà hiện nay, tiền lương của cán bộ, nhân viên y tế đã được tính vào giá dịch vụ y tế.

Văn Hải/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận