1- Kiên định mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo
Ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Tại Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, chín nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra, trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó, cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục và các quy định về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông.
Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa...
Kết luận số 91 của Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi trong giáo dục và đào tạo.
Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.
Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.
Kết luận 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; Kiên định những mục tiêu cốt lõi để đảm bảo cải cách trong giáo dục được triển khai một cách hiệu quả và đạt được kết quả tích cực trong dài hạn.
2. Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị yêu cầu các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Đây là ngôn ngữ mà một người có thể nói, sử dụng nhưng không phải là ngôn ngữ đầu tiên mà họ học một cách tự nhiên khi còn nhỏ. Hiện nhiều trường công lập ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã dạy thử nghiệm Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, chứ không chỉ coi đây là môn ngoại ngữ.
Chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người Việt, phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi mức độ thông thạo ngoại ngữ của người Việt vẫn nằm trong nhóm trung bình của thế giới, theo xếp hạng của tổ chức EF Education First vào năm ngoái. Từ năm 2021 trở về trước, Việt Nam bị xếp vào nhóm có mức độ thông thạo tiếng Anh thấp.
3. Điều chỉnh quy chế thi tốt nghiệp THPT; Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học
Năm học 2024-2025 là năm mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh THCS, THPT và xét tuyển đại học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có những điều chỉnh quan trọng: Tăng tỉ lệ tính điểm học bạ để xét tốt nghiệp THPT lên 50% thay vì 30% như các năm trước; Chứng chỉ ngoại ngữ không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp; Bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên; Cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...
Đối với tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Bộ GD-ĐT dự kiến thống nhất chung việc tổ chức thi 3 môn: gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Xét tuyển đại học từ năm 2025 cũng dự kiến sẽ có nhiều điều chỉnh quan trọng như: Chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20%; các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung; điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm sau khi quy đổi không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển; Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...
Những điều chỉnh về tổ chức thi, tuyển sinh các cấp học được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là nhằm đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh, tránh học tủ, học lệch và đánh giá sát hơn năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
4. Luật nhà giáo: Gỡ nhiều điểm nghẽn trong giáo dục, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Nhà giáo
Lần đầu tiên Dự thảo Luật Nhà giáo được trình tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV với nhiều điểm mới về chính sách đối với nhà giáo phù hợp với tình hình thực tiễn và có thể tháo gỡ được nhiều khó khăn, điểm nghẽn trong lĩnh vực giáo dục, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Nhà giáo.
Trong đó, lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.
Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non.
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Đặc biệt, dự thảo Luật Nhà giáo quy định giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.
Nếu quy định này được thông qua, ngành giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo thời gian qua; có cơ chế để thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề.
5. Phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050"
Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050."
Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa 04 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở 03 miền Bắc, Trung và Nam.
Đến năm 2050, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phải đồng bộ với phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, gắn với đào tạo về khoa học cơ bản, khoa học chuyên sâu, phù hợp với lộ trình, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh
6. Bỏ quên trẻ trên xe đưa đón: “Bài học cũ, nỗi đau mới”
Ngày 29/5, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ việc cháu bé ở Trường mầm non tư thục Hồng Nhung (thành phố Thái Bình) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón.
Câu chuyện đau lòng xảy ra tại Thái Bình gợi lại nỗi kinh hoàng hơn 4 năm về trước khi một học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên ô tô gần 10 tiếng ngay trong ngày đầu tiên tựu trường khiến bé tử vong.
Sự việc kinh hoàng này đã khiến hầu hết các trường có dịch vụ xe đưa đón học sinh phải kiểm soát lại quy trình, siết chặt quản lý. Có trường còn cài đặt app để lập tức báo cho phụ huynh khi trẻ vào lớp...
Thế nhưng chuyện "bỏ quên trẻ trên ô tô" vẫn tái diễn. Vụ việc tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về sự tắc trách, bàng quan, thiếu trách nhiệm của một bộ phận giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc đưa đón trẻ đến trường.
7. Giám đốc Sở bị kỷ luật, cách chức vì để xảy ra sai phạm trong thi cử
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2024 của tỉnh Thái Bình trở thành điểm nóng khi hàng loạt phụ huynh phản ánh những bất thường về kết quả thi. Nhiều thí sinh được tăng điểm sau phúc khảo, với mức tăng khoảng 1,25-5,75.
Kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện gần 1.600 học sinh của tỉnh này bị sai điểm thi lớp 10 do ghép phách nhầm. Tổng điểm xét tuyển của 1.589 em bị sai. Trong đó, 252 em từ trượt thành đỗ công lập, số ngược lại cũng tương tự.
Trước những sai phạm nghiêm trọng trong tổ chức, kiểm tra, giám sát kỳ thi, Ban Bí thư đã cách tất cả chức vụ trong đảng đối với ông Nguyễn Viết Hiển, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 của tỉnh Thái Bình.
Sai phạm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Thái Bình năm 2024 khiến một lần nữa dư luận đặt ra dấu hỏi lớn về sự công bằng, nghiêm minh, trách nhiệm đối với các kỳ thi rất quan trọng như vào lớp 6, vào lớp 10 tại các địa phương.
8. Cô giáo xin laptop: Xã hội hóa giáo dục diễn biến lên ‘tầm cao mới’?
Cô giáo Trương Phương Hạnh, Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TP.HCM trở thành tâm điểm của dư luận đầu năm học mới 2024-2025 khi giáo viên này “dỗi” phụ huynh, từ chối soạn đề cương ôn tập cho học sinh chỉ vì nguyện vọng xin lớp hỗ trợ mua laptop nhưng không được 100% phụ huynh đồng ý.
Vụ việc trở nên căng thẳng khi hàng loạt học sinh xin nghỉ học vì phụ huynh bức xúc trước hành động của giáo viên này. Điều này buộc Lãnh đạo trường, UBND quận 1, TP. Hồ Chí Minh vào cuộc.
Sau khi xem xét trách nhiệm nữ giáo viên trường Tiểu học Chương Dương bị kỷ luật cảnh cáo, không được đứng lớp đến hết năm học này.
Sự việc cô giáo xin tiền phụ huynh cũng khiến dư luận “ngỡ ngàng”, “choáng váng” khi xã hội hóa giáo dục dường như diễn biến lên “tầm cao mới”.
Xã hội hóa giáo dục là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, một số nơi đã biến hành động ý nghĩa này trở nên méo mó, biến tướng thành lạm thu.
9. Ngành Giáo dục thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi)
Tháng 9/2024, cơn bão số 3 Yagi cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, trong đó, ngành Giáo dục chịu thiệt hại rất nặng nề.
Tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính lên đến 1.260 tỷ đồng; hư hỏng hơn 41.500 bộ sách giáo khoa.
Hoàn lưu của cơn bão Yagi cướp đi tính mạng của 55 học sinh, trẻ em, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.
Trước, trong và sau cơn bão, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả đồng bộ, kịp thời. Toàn ngành giáo dục đã chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả để sớm nhất ổn định việc dạy và học.
Ngành giáo dục cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước.
10. Lời 'hẹn ước' của thầy giáo già và 22 đứa trẻ ở Làng Nủ
Trận lũ tràn qua Làng Nủ, huyện Bảo Yên, Lào Cai sau hoàn lưu bão Yagy đã cuốn đi 39 hộ dân khiến nhiều người thiệt mạng. 22 đứa trẻ may mắn sống sót nhưng đã mất hết nhà cửa và người thân.
Trong tận cùng sự mất mát, đau thương ấy, dự án nhận Nuôi toàn bộ trẻ em còn sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ của thầy giáo già Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Mari curi ra đời và được ví như một điều kỳ diệu trong tận cùng nỗi đau. Mỗi cháu sẽ được chu cấp 3 triệu đồng/ tháng để hỗ trợ học tập cho đến năm 18 tuổi.
Danh sách nhận nuôi có 22 trẻ, trong đó bé nhất mới 3 tuổi, lớn nhất 17 tuổi. Ước tính, số tiền hỗ trợ cơ bản của thầy Khang tới các em khoảng 5,6 tỷ đồng, chưa tính các chi phí phát sinh. Thầy nhắn nhủ với những đứa trẻ trong quá trình phát triển, nếu cần thêm gì, ông sẽ lo được, không đơn thuần chỉ là tiền cấp dưỡng.
Ngày khu tái định cư Làng Nủ khánh thành, những đứa trẻ ở Làng Nủ cùng “ông nội” Nguyễn Xuân Khang ký vào một bản hẹn ước: "Cứ tới ngày 22/12 hàng năm ông nội và các cháu chụp ảnh gửi cho nhau để biết sức khỏe và sự trưởng thành của mỗi người. Và ngày 22/12/2039, tức 15 năm sau, ông nội 90 tuổi và hai cháu bé nhất đủ 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau ở Hà Nội để chụp chung một kiểu ảnh tương tự như bức ảnh ông cháu chụp trong ngày 22/12/2024".
"Với các cháu 15 năm nữa thật dễ dàng nhưng với ông thì không dễ dàng đâu. Nhưng ông có niềm tin và sẽ cố gắng để thực hiện được", thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ.
Lời "hẹn ước" của thầy giáo già Nguyễn Xuân Khang và 22 đứa trẻ ở Làng Nủ - một câu chuyện xúc động, một hình đẹp, thấm đẫm tính nhân văn của Giáo dục năm 2024.
VOV2