Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với hàng nghìn gia đình vẫn đang sinh sống trong những căn nhà tạm, dột nát. Tuy nhiên từ các chính sách của nhà nước ta cùng sự chung tay của cộng đồng, mơ ước về một cuộc sống ổn định đang dần trở thành hiện thực với người dân miền sơn cước này.
Hàng chục năm nay, gia đình cựu chiến binh Hoàng Xuân Lý ở thôn Khuổi Dạc, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn phải sống trong ngôi nhà tạm bợ với mái lợp bằng vài tấm phên, tường đất nứt nẻ. Bản thân anh Lý bị bệnh nhiều năm do chấn thương não nên không có khả năng lao động, lo được miếng ăn đã khó nói gì xây được căn nhà vững chãi. Từ sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn cùng sự giúp sức của các ban, ngành, đoàn thể và người dân trong thôn, anh Lý đã được ủng hộ hơn 200 triệu đồng để xây nhà mới.
Anh Lý xúc động cho biết, từ khi ngôi nhà được khởi công, anh thấy mình như khỏe hơn. Ngôi nhà dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán cũng chính là niềm vui lớn nhất đối với gia đình.
“Nhà tôi hoàn cảnh rất khó khăn, nhà dột nát, xuống cấp. Bây giờ được sự hỗ trợ của tỉnh và cấp trên, tôi có ngôi nhà để ấm áp, gia đình rất cảm ơn", anh Lý nói.
Để có những ngôi nhà mới cho hội viên như của anh Hoàng Xuân Lý, những năm qua, Hội CCB tỉnh Bắc Kạn đã đặt ra kế hoạch, đó là kêu gọi sự chung tay ủng hộ từ các hội viên. Từ lương hưu, phụ cấp, ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít với mục tiêu tất cả đồng đội có nhà ở vững chãi để ở. Thời gian qua, hàng chục căn nhà “nghĩa tình đồng đội” như vậy đã được xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội CCB phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Hội cựu chiến binh đã ra nghị quyết về việc đóng góp, ủng hộ quỹ để giúp đỡ hội viên khó khăn về nhà ở. Nội dung này được hội viên ủng hộ rất tích cực, nghị quyết thông qua thì mỗi người đóng góp tối thiểu 10.000đ/năm, nhưng đa số đều đóng hơn, có người đóng hàng trăm ngàn đồng…”
Tỉnh Bắc Kạn có khoảng hơn 10.000 hộ dân có nhà nhà tạm, dột nát hoặc thiếu hụt diện tích về nhà ở, nhiều gia đình phải sống trong những căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt tại các huyện vùng cao như Ba Bể, Chợ Đồn, Pác Nặm hay Ngân Sơn. Nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống để tập trung lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với thông điệp “một viên gạch nhỏ, một ngôi nhà lớn”.
Từ năm 2021 đến nay, nhờ sự chung tay của toàn xã hội, Bắc Kạn đã xóa hơn 3.700 nhà tạm, nhà dột nát. Riêng trong năm 2024 toàn tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở bảo đảm kiên cố cho trên 1.800 hộ gia đình. Trong số này, có 940 nhà từ nguồn vốn chương trình MTQG, hơn 51% số nhà còn lại đến từ các nguồn vốn xã hội hóa với sự chung tay đóng góp các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm với kinh phí gần 50 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cho biết hằng năm, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn rà soát những hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp hỗ trợ làm nhà ở và kêu gọi vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ đóng góp vào Quỹ “Mái ấm tình thương”.
Từ năm 2008 đến nay, Hội LHPN toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được gần 230 ngôi nhà với tổng trị giá trên 3,6 tỷ đồng, mang lại nơi an cư cho các gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân.
"Năm 2024 này chúng tôi cũng đã giúp đỡ được 10 căn nhà cho chị em phụ nữ, đây là điều mà chúng tôi cảm thấy rất là vui và chúng tôi sẽ phấn đấu để cho các năm sau sẽ tiếp tục hỗ trợ để làm sao mà cho phụ nữ nghèo của tỉnh xóa được căn nhà tranh tre dột nát", bà Thanh cho biết.
Nhận ngôi nhà kiên cố mang tên “Mái ấm tình thương” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn trao tặng, bà Nông Thị Nết ở thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn không giấu được xúc động. Là hộ nghèo lâu năm, chồng lại đau ốm thường xuyên, nên mọi gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai người phụ nữ này. Giờ bà Nết đã an tâm hơn khi có được nơi ở ổn định.
“Lúc trước nghĩ cho con học đủ, và cố gắng làm đủ ăn rồi, không dám nghĩ làm được cái nhà như thế này. Tôi được các em các chị ủng hộ được cái nhà kiên cố như thế này tôi rất là cảm ơn”, bà Nết nói.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn cho biết, sự chung tay vào cuộc của cộng đồng là yếu tố quan trọng để Bắc Kạn, một trong những tỉnh miền núi khó khăn nhất cả nước, xóa hàng nghìn ngôi nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Năm 2025, Bắc Kạn dự kiến sẽ xóa gần 3.800 nhà, tuy nhiên hiện nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ khoảng 660 nhà, còn lại nguồn xã hội hóa khoảng 1.300 nhà và còn 1.357 nhà chưa xác định được nguồn kinh phí.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa nói: “Trong thời gian qua, nhất là trong cơn bão số 3 (Yagi), Bắc Kạn đã nhận được sự chia sẻ rất lớn của các địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Có thể nói chưa bao giờ Bắc Kạn huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn như vậy. Chúng tôi mong rằng, với tấm lòng quý báu đó, tới đây trong chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát của Bắc Kạn sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ của các tấm lòng hảo tâm, đơn vị doanh nghiệp…".
Những ngôi nhà mới trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã giúp nhiều hộ dân ở vùng cao Bắc Kạn có nơi an cư lạc nghiệp. Mỗi viên gạch, mái ngói mới đều chứa đựng tình yêu thương, sự sẻ chia. Đặc biệt, khi xuân mới đang tới gần, những mái ấm như tiếp thêm nghị lực, niềm tin yêu cho những hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn.
Công Luận/VOV-Đông Bắc