Sợ rủi ro, giáo viên sẽ “buông”?
Sau khi phạt học sinh lớp 9 quỳ trước lớp, cô giáo Lê Thị Quy (Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã bị đình chỉ công tác dạy học. Trước đó, cô Quy cảm thấy bất lực với học sinh của lớp, dù đã sử dụng rất nhiều biện pháp giáo dục khác nhau (nói chuyện, khuyên răn, chép phạt, dọn vệ sinh, làm trực nhật…) nhưng không mấy hiệu quả. Những học sinh này phụ huynh cũng bất lực với con. Họ chia sẻ, dù có bảo ban nhưng con cũng không nghe và tha thiết đề nghị cô phạt cháu quỳ ở trên lớp nếu không ngoan.
Ngay sau khi cô Quy bị đình chỉ dạy học, trong dư luận đã dấy lên những tranh cãi về việc xử phạt học sinh thế nào cho đúng. Cô giáo Lê Thị Quy hoang mang, chia sẻ, đến giờ cô giáo mới nhận ra đây là bài học xương máu. Đến giờ, cô Quy cũng chưa định hướng được việc sẽ viết những gì trong bản tường trình.
Về vụ việc này, thầy giáo Đinh Hương, dạy học tại một trường chuyên danh tiếng, chia sẻ: "Không lạm phát các hình thức, mức độ và chỉ sử dụng khi đã trao đổi với cấp quản lý giáo dục và phụ huynh. Khi chưa đạt được được sự đồng thuận thì thầy, cô phải tự tiết chế cảm xúc…"
Trên khá nhiều diễn đàn giáo viên, những tâm sự về học sinh cá biệt thời nay rất nhiều. Các thầy cô tranh luận khá nhiều là quyền của mình đến đâu để có thể giáo dục học sinh tiến bộ. Có không ít ý kiến thầy cô khuyên nhau: Đừng "dây" vào những học sinh ấy, những học sinh cá biệt mà phụ huynh thì lại ghê gớm. Chẳng may bị phụ huynh tố cáo trên mạng là nguy. Trên diễn đàn “CTLGV”, thậm chí nhiều giáo viên cho rằng, nghề dạy học giờ là nghề nguy hiểm. Vì thế, bây giờ nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy kiến thức, còn đạo đức ai thích thì dạy còn không đã có gia đình và xã hội. Thầy cô đừng bận tâm mà vướng vào lao lý. Bây giờ học sinh là con vàng con bạc, nếu đụng vào là bể nồi cơm của bạn.
Theo TS. Trịnh Xuân Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, cô giáo làm như vậy cũng vì động cơ mong trò giỏi, ngoan, còn nếu vì động cơ cá nhân của cô, thì cô cứ giảng ai muốn làm gì thì làm. Cuối năm ai cũng được lên lớp, còn thầy, cô thì được thành tích. Đây chính là điều mà TS. Trịnh Xuân Dũng cảm thấy lo lắng khi thực tế chúng ta vẫn chưa có đủ hành lang pháp lý cho giáo viên đưa ra các hình phạt hợp lý, bởi bất cứ hình phạt nào cũng tạo nên "nguy hiểm" cho chính giáo viên. “Giáo dục sẽ ra sao khi các thầy cô phải bất lực trước học trò? Thậm chí có thầy cô đã phải chia tay với nghề dạy học để tìm một nghề khác. Một giáo viên trẻ đã chia sẻ với tôi: Thầy ơi! Em nghĩ đến chặng đường còn lại mà nản thầy ạ! Hôm qua chúng em ngồi nói chuyện với nhau thay vì bàn bạc chuyên môn lại nhắc nhau cẩn thận kẻo lại đứt gánh giữa đường!” – một chuyên gia giáo dục lâu năm chia sẻ.
Không có quy định rõ ràng nên gây tranh cãi
Trên diễn đàn “Chúng tôi là giáo viên”, nick name H.N.T cho rằng: Đồng ý phải có hình phạt đối với học sinh hư và lười nhưng không được đánh vào đầu vào mặt học sinh. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT nên đưa vào quy chế việc thỏa thuận giáo dục và các hình thức giáo dục của nhà trường đối với học sinh. Phụ huynh cần đồng hành với thầy, cô để giáo dục con em mình. Còn ý kiến khác cho rằng, Bộ GD-ĐT nên có bộ quy chuẩn về xử phạt học sinh để các thầy cô thực hiện xử phạt học sinh. Mục đích của việc xử phạt là để học sinh tốt lên, xã hội tốt lên.
Là người thầy có kinh nghiệm 30 năm cảm hóa hàng nghìn học trò “ngỗ ngược”, TS tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Nếu phạt học sinh để các em chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì nhà trường được phép làm, nhưng bằng hình thức nào thì hội đồng nhà trường phải thông qua, cam kết để phụ huynh học sinh biết. Và dù phạt hình thức nào cũng không được xâm phạm vào thân thể, nhân cách trò, đó là nguyên tắc của trường nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện nay có một số giáo viên phạt học sinh quá mức, vi phạm nhân cách của học sinh, điều đó không bao giờ có tác dụng giáo dục, mà phải để các em phải tự nguyện, tự giác nhận ra thiếu sót của mình và chịu trách nhiệm về hành vi đó thì mới có hiệu quả giáo dục…”.
Về vấn đề, làm gì để không xảy ra những tranh cãi về xử phạt học sinh? TS Lê Thống Nhất đề nghị: Ngành giáo dục cần có Hội thảo về "Giáo dục học sinh cá biệt", "Xử phạt học sinh như thế nào?". Tăng cường rèn luyện kỹ năng sư phạm cho giáo viên trước những tình huống cụ thể… Hiện nay, căn cứ chủ yếu để xem xét, kỷ luật học sinh là Điều lệ Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã quá lạc hậu (đã 31 năm), so với tình hình thực tế cần được sửa đổi gấp cho phù hợp. Các quy chế hay luật cần sửa đổi để trả lại cái uy ngày xưa của thầy cô giáo. Những học sinh mà nhà trường bất lực cần đưa vào trường giáo dưỡng với hình thức giáo dục riêng, phù hợp hơn, không để là gánh nặng cho nhà trường, thầy cô…
Gia đình và nhà trường cần “bắt tay” nhau
Chia sẻ về phương pháp giáo dục học sinh “cá biệt ”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Đối với những học sinh này, chúng ta không nên miệt thị và khinh rẻ mà cần tôn trọng các em. Mỗi người thầy phải là một “nghệ sĩ", với nghệ thuật làm thầy. Nghệ thuật ấy được thể hiện và thăng hoa trong từng lớp học, từng tiết học và với những học sinh cụ thể.
Cùng suy nghĩ này, cô Thanh (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) với hơn 30 kinh nghiệm giảng dạy và chủ nhiệm lớp cho biết, đối với mỗi trường hợp khác nhau, thầy cô giáo sẽ có những thời điểm để giáo dục học sinh của riêng mình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả mà hầu hết các giáo viên đều đồng ý đó chính là sự gần gũi, quan tâm và chia sẻ với những học trò ngỗ nghịch của mình.
Ngoài ra, TS Lê Thống Nhất cho rằng: Phụ huynh tố cáo, nói xấu thầy cô trên mạng xã hội không phải là giải pháp tích cực. Điều này có nên bổ sung vào “Quy tắc ứng xử trong nhà trường”? Tôn trọng sự dân chủ nhưng phụ huynh nên ứng xử thế nào khi giáo viên sai trái? Phụ huynh có trái tim chung nhịp đập với giáo viên thì mới có thể giáo dục được con em thuộc nhóm học sinh cá biệt.
Có thể nói, cùng với việc có những quy định rõ ràng trong xử phạt học sinh thì sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh là vô cùng quan trọng… Và hãy để thầy cô có quyền được răn dạy học trò. Vì lương tâm, vì trách nhiệm, thầy cô giáo nào cũng muốn điều tốt cho trò./.
TS Lê Thống Nhất: Liệu có nên đưa một số hình phạt cụ thể nào đó vào các hình thức kỷ luật học sinh? Cần tham khảo các hình thức xử phạt của các nước hiện nay để quyết định. Điều này sẽ giúp giáo viên không "co lại", "buông tay" với những vi phạm của học sinh khi mà việc kiểm điểm không có tác dụng.
TS. Hoàng Trung Học,Trưởng Khoa Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục: Việc cô giáo phạt học sinh quỳ là hành động chưa đúng dưới phương diện nguyên tắc giáo dục, đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, dù sai nhưng cô giáo trong trường hợp này vẫn đang "loay hoay" tìm cách giáo dục học trò, hướng các em đến những điều tốt đẹp hơn. Nếu dư luận nhìn nhận không thực sự công bằng, sẽ làm tổn thương đến nhiệt huyết của nhiều giáo viên, sẽ dẫn đến xu thế mặc kệ trò để an toàn cho bản thân.
TS Nguyễn Tùng Lâm: Vấn đề ở đây là trường phải thống nhất các hình thức xử phạt học sinh làm sao để tránh vi phạm về thân thể, cũng như nhân cách học sinh. Phụ huynh học sinh và nhà trường hiện nay cần thống nhất trong việc giáo dục để tránh dẫn đến mâu thuẫn trong một số vụ việc như vừa qua.