TP Hồ Chí Minh cần xóa 'bao cấp' trong công tác chống ngập

  • 01/10/2019 02:26:00
  • Hà Khánh - Xuân Ngà - Duy Phương
  • Xã hội
  • 0

Quan trọng nhất phải xóa bao cấp trong chống ngập, có nghĩa là tính đúng tính đủ và từ đó lôi kéo được tư nhân và doanh nghiệp vào cuộc cùng thực hiện.

 

Mới đây, Thành ủy TP. HCM đã ban hành kế hoạch khảo sát, tiếp nhận ý kiến nhân dân nhằm góp phần xây dựng TP sáng tạo, đi đầu cùng cả nước, vì cả nước. Theo đó, các tầng lớp nhân dân sẽ được nói lên các ý kiến, quan điểm, đóng góp các ý tưởng, phản biện… các vấn đề nóng hiện nay bằng nhiều cách.

Đây là tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trước nhân dân và đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo người dân và các chuyên gia.

Kẹt xe là vấn nạn mà người dân ở TPHCM muốn giải quyết.

Anh Đỗ Hoàng Tuấn Long - tiểu thương buôn bán trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, rất vui và cho rằng, việc TPHCM tiếp nhận ý kiến của người dân nhằm góp phần xây dựng thành phố sáng tạo, đi đầu là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Với dân số hơn 10 triệu, nếu mỗi người đều đồng lòng suy nghĩ thì chắc chắn sẽ có những sáng kiến hay giúp thành phố phát triển: “Thành phố khi có những ý kiến phản biện của người dân thì đó là điều tốt. Theo tôi, việc có những ý kiến sáng tạo sẽ giúp ích cho TP và người dân hoàn toàn ủng hộ”, anh Long nói.

Khi được hỏi về vấn đề mà mình quan tâm, chị Phạm Thị Tuyết đang kinh doanh trên đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Quận 1 cho rằng, đó là tình trạng kẹt xe: “Tôi quan tâm là tình trạng kẹt xe rất phổ biến và có quá nhiều chung cư được xây lên nhưng mà đường không được mở rộng nên nó tạo áp lực cho giao thông của thành phố”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Quỳnh Nga, ngụ đường Điện Biên Phủ, Phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay khó khăn nhất chính là tình trạng ngập nước, ô nhiễm không khí,… Cụ thể là những ngày qua, triều cường dâng cao gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt. Chị Quỳnh Nga mong muốn có nhiều sáng kiến để làm sao nhanh chóng giúp giảm ngập.

“Tôi thấy tình trạng ngập nước những năm gần đây ngày càng nghiêm trọng. Việc lắng nghe ý kiến người dân để từ đó có những ý tưởng sáng tạo, giảm thiểu việc ngập lụt sẽ rất tốt. Tôi mong nhiều người có ý kiến để có những phương án sáng tạo hơn”, chị Nga nói.

Cần xóa "bao cấp" chống ngập

Về tình trạng ngập nước, những ngày qua, người dân ở nhiều quận, huyện đang khốn khổ khi mà dòng nước đen kịt len lỏi vào nhà gây xáo trộn đời sống sinh hoạt. Không chỉ khu vực vùng ven mà nhiều quận trung tâm cũng chịu chung số phận; có nơi nước gây vỡ bờ bao gây nhiều thiệt hại…

Chuyên gia Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TPHCM cho rằng, các giải pháp kỹ thuật thì không có gì mới, có điều là từ trước đến nay, TP vẫn làm lưng chừng không đi tới đâu, lúc nào cũng than thiếu này thiếu kia, cho nên đây mới là cái cần giải quyết chứ không phải là vấn đề kỹ thuật. Cái quan trọng nhất là phải xóa bao cấp trong chống ngập, có nghĩa là tính đúng tính đủ và từ đó lôi kéo được tư nhân và doanh nghiệp vào cuộc.

Chuyện giải phóng mặt bằng lâu nay là vấn đề phức tạp. Tuy nhiên có cảm giác là TP đang xem câu chuyện này như “phao cứu sinh” để lý giải cho thực tế là “không có kinh phí”. Vấn đề là TP lấy tiền ở đâu, cơ chế vốn ở đâu để xây dựng. Ngoài ra, cần phải tính nguồn vốn để duy trì, hoạt động, bảo quản sửa chữa… Theo ông Hồ Long Phi, TP. HCM chưa quyết tâm bởi các dịch vụ công ích như giao thông, giáo dục, y tế, điện, nước sạch… đã xóa bao cấp, nhưng mảng chống ngập lại vẫn vướng và đó là nhiệm vụ lớn nhất cần giải quyết.

“TP. HCM chưa có cơ chế thỏa đáng để giải quyết chuyện chống ngập có căn cơ. Bây giờ cứ xoay vào chuyện kỹ thuật hay hiến kế mà phải ý thức đang vướng cơ chế. Một khi cơ chế giải quyết xong thì vốn sẽ có. Đó là điều tôi hơi khó hiểu bởi không quyết tâm chuyện này thì đừng có nghĩ chuyện chống ngập bởi chúng ta đang nghĩ đến một chuyện lâu dài...”, ông Hồ Long Phi phân tích.

Còn theo KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia đô thị đánh giá cao việc TP. HCM cởi mở trong việc ghi nhận ý kiến các chuyên gia. Theo ông Sơn, số lượng chuyên gia sinh sống tại TP. HCM khá lớn, đây là cách để tận dụng nguồn chất xám nhằm phục vụ cho sự phát triển.

Các chuyên gia cho rằng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân cùng vào cuộc chống ngập lụt.

Quan trọng là những ý kiến của chuyên gia cần phải có sự tổng kết và phản hồi của TP. Đóng góp ý kiến về chuyên ngành của mình, ông Sơn cho rằng, vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc tại TP. HCM ngày càng có nhiều phản hồi tích cực cả trong và ngoài nước. Điều đó cho thấy nếu làm tốt công tác này thì sẽ đem lại nhiều hiệu quả nhằm nâng cao thương hiệu của thành phố. Ông Sơn kỳ vọng, thời gian tới TP có sự quan tâm, thể hiện qua những chính sách và chủ trương cụ thể hơn, như nhanh chóng xác định ranh giới khu trung tâm lịch sử:

“Nếu sớm xác định được thì đây là một biện pháp để đưa ra những chính sách bảo tồn, cải tạo và phát triển trong khu vực trung tâm lịch sử cho phù hợp, nâng tầm giá trị văn hóa lịch sử của khu phố mang dấu ấn trên 300 năm phát triển của TP. HCM”, ông Sơn nói.

Từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Thành ủy ngoài việc gặp trực tiếp, tiếp nhận ý kiến nhân dân vào mỗi sáng thứ 7 hằng tuần thì sẽ thu thập ý kiến nhân dân thông qua các hình thức khác, có thể là qua mạng xã hội như facebook, zalo…Và rõ ràng, với một TP có truyền thống vượt qua khó khăn, sáng tạo để phát triển thì việc Thành ủy TPHCM có tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trước nhân dân, thật tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân chính là động lực để TP phát triển hơn nữa trong thời gian tới./.

Hà Khánh - Xuân Ngà - Duy Phương/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận