Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất điều chỉnh đồng bộ giờ học, giờ làm từ 8h30 và nghỉ trưa 1 tiếng ở các đô thị để nâng cao hiệu quả làm việc và chăm lo đời sống cho gia đình, trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, đề xuất này cần tham khảo.
Song để quyết định thay đổi thì cần nhiều vấn đề liên quan như bố trí giờ làm ở các cơ quan phải đồng bộ với nhau, bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ tránh ùn tắc giao thông. Bởi nếu cùng trễ hoặc cùng sớm sẽ không giải quyết được vấn đề. Bố trí giờ làm phải thận trọng, làm sao để đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hoà giữa ùn tắc giao thông.
Trưởng ngành Nội vụ cho biết, thời gian qua ở nhiều cơ quan không nghỉ giờ trưa, cán bộ ăn cơm xong thường nghỉ một lát rồi làm việc ngay. Vấn đề đổi giờ làm cần lắng nghe ý kiến của người lao động, rồi tổng hợp, bố trí hợp lý, người làm trước, người làm sau, người nghỉ trước, người nghỉ muộn, khi ra đường không bị ùn tắc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, từ trước tới nay Bộ không có nghiên cứu khảo sát để thay đổi giờ làm việc. Giờ làm hành chính phải phối hợp nhiều cơ quan. Giờ làm việc theo quy chế chung hiện nay đang thực hiện như ở phía Bắc bắt đầu giờ làm việc từ 8 giờ, nhưng phía Nam là 7h hoặc 7h30 do đặc điểm tình hình. Do đó để thống nhất chung trong cả nước là điều rất khó.
Ông cho rằng, quy định vùng miền, thành phố lớn có tính đặc thù, bên cạnh đó phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 giờ mỗi ngày, tăng hay giảm thì phải theo Luật lao động. “Hiện cán bộ công chức làm việc hơn 8 giờ, không nghỉ trưa, tối về muộn với mục đích làm hết việc chứ không phải hết giờ làm” – ông Tân nói.
Ở góc độ địa phương, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường chia sẻ, giờ làm việc phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết từng vùng. Đặc biệt, miền Trung thời tiết nóng, khắc nghiệt hơn nên giờ làm việc có khi sớm hơn, có khi lại muộn hơn. Do đó, nếu Quốc hội, Chính phủ có quy định thì nên phân cấp về các địa phương quyết định giờ, chứ không nhất thiết thống nhất trong cả nước.
“Ở Quảng Nam, giờ hiện nay áp dụng rất phù hợp. Ví dụ, buổi sáng, đối với cán bộ công chức 7 giờ vào làm việc, 11 giờ nghỉ, chiều bắt đầu làm việc từ 1h30 đến 5h, đủ 8 tiếng một ngày. Còn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tuỳ theo thời tiết, khí hậu, mùa thì quyết định giờ làm việc” – ông Phan Việt Cường cho biết.
Trả lời câu hỏi: Có ý kiến cho rằng, thay đổi giờ làm sẽ giúp tăng năng suất lao động? Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, điều này phải đánh giá lại. Năng suất lao động tuỳ thuộc vào chất lượng công việc của mỗi người. Cho nên cần phải có đề tài khoa học để đánh giá thông qua giờ làm việc, đánh giá năng suất lao động, chứ không thể nói đổi giờ mà làm chất lượng lao động tăng lên.
Phải đảm bảo năng suất lao động
Cùng bàn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, về giờ học, giờ làm ở Trung ương do Thủ tướng quyết định, còn ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quy định. Căn cứ tình hình, điều kiện thực tế ở địa phương, người đứng đầu tỉnh có thể giao cho các địa phương điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
Ở các nước trên thế giới, thời gian nghỉ trưa của họ rất ngắn để tiết kiệm năng lượng, song nếu áp dụng khung giờ này vào Việt Nam là điều không dễ bởi thói quen sinh hoạt của người Việt khác với các nước.
Song, ông cho rằng, Luật hiện nay quy định ngày làm việc 8 giờ, tuần làm việc 40 giờ hoặc 48 giờ, nên các địa phương có thể linh hoạt, căn cứ vào điều kiện tự nhiên để quy định giờ học, giờ làm cho phù hợp.
“Học tập kinh nghiệm quốc tế không có nghĩa là bê nguyên của quốc tế về làm ở Việt Nam. Nhưng cái gì hay thì mình sẽ tiếp thu và nên để các địa phương căn cứ vào điều kiện tự nhiên mà quyết định vấn đề đó cho phù hợp” – ông Bùi Sỹ Lợi nói và nhấn mạnh việc thay đổi giờ làm hoàn toàn tùy thuộc ở các địa phương và không nên ghi vào Luật.
Theo đó, việc áp dụng giờ học, giờ làm như thế nào phụ thuộc vào đặc điểm của từng thành phố, từng địa phương, do người đứng đầu quyết định làm sao cho linh hoạt, phù hợp. Quan trọng nhất là tạo ra khả năng làm việc tốt nhất, hợp lý nhất và năng suất lao động tốt nhất./.
Ngọc Thành-Kim Anh/VOV.VN