Nằm trên tuyến đường huyết mạch đi sân bay Nội Bài và các tỉnh phía Đông Bắc, hằng ngày cầu Thăng Long có rất đông phương tiện qua lại. Tuy nhiên, mặt cầu hiện đang bị xuống cấp trầm trọng.
Đã trải qua nhiều lần sửa chữa với kinh phí đắt gấp nhiều lần duy tu thông thường, nhưng mặt cầu Thăng Long vẫn “rách tơi tả” trên diện rộng. Đến nay, phạm vi lớp bê tông nhựa bị nứt xẻ rãnh, ổ gà không thể hàn vá như lâu nay.
Do mặt cầu vừa nứt xẻ rãnh, vừa phát sinh ổ gà nên mặt cầu Thăng Long đang là đoạn có mặt đường xấu nhất của toàn bộ tuyến đường dài 30 km từ nội thành Hà Nội đi sân bay.
Ngót 10 năm qua, những vết lún, nứt trên mặt cầu Thăng Long vẫn “hành hạ” người dân Thủ đô. Từ tốc độ xe lưu thông ban đầu là 80km/h, hiện cầu đặt biển báo 50 km/h, nhưng thực tế, tốc độ xe chỉ còn 20km hoặc 10km/h vì liên tục phải sửa chữa.
Trước thực trạng đó, Bộ GTVT vừa yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung sửa chữa mặt cầu Thăng Long để hoàn thành trong tháng 9/2020, đưa vào khai thác đồng bộ với dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn giải pháp kỹ thuật, công nghệ; lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo thẩm quyền; xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai dự án dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng và tuổi thọ công trình.
Tổng cục Đường bộ và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ công trình; trong đó cần lưu ý tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động cho người và phương tiện lưu thông trong khu vực thi công.
Bộ GTVT cũng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu, phê duyệt kế hoạch sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ theo đúng quy định pháp luật; theo dõi, đôn đốc Tổng cục Đường bộ và các cơ quan liên quan triển khai sửa chữa đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết phương án công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã được trình Bộ Giao thông Vận tải và sẽ là công nghệ mới của Mỹ, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Đó là phương pháp hàn các bulông treo trên mặt sắt và sẽ đổ khoảng 6-7cm bê tông sợi lên bề mặt.
“Đây là công nghệ của Mỹ và hiện đã làm tại Trung Quốc khoảng 10 cầu. Các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể thi công được và chỉ phải nhập một số thiết bị đặc thù. Tổng cục Đường bộ hiện đã trình Bộ Giao thông thẩm định xong và sẽ tiến hành khảo sát thiết kế, kiểm định, tiến hành thi công dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành,” ông Huyện nói.
Theo ông Huyện, dự kiến tổng mức đầu tư từ 180-200 tỷ đồng và sẽ được đấu thầu công khai rộng rãi.
Tại buổi kiểm tra mặt cầu Thăng Long vào ngày 12/8/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ tìm giải pháp để sửa chữa mặt cầu Thăng Long tốt nhất và ổn định ít nhất 7-10 năm.
Những hư hỏng, những “vết rách” trên cầu Thăng Long đã quá lâu, người dân Thủ đô đang mong ngóng và chờ đợi “lời hứa” của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sớm thành hiện thực./.
Cầu Thăng Long cao 2 tầng, dài khoảng 3,1 km, gồm phần cầu chính dài 1,6 km với 15 nhịp dầm thép, khẩu độ mỗi nhịp 112 m. Mặt cầu bằng thép tấm thảm bê tông nhựa.
Tầng trên có bề rộng 20 m chia 4 làn xe cơ giới, còn lại hai bên là đường bộ công vụ, mỗi bên rộng 2 m. Tầng dưới ở giữa là tuyến đường sắt khổ ray 1.435m, hai bên là đường xe thô sơ, xe máy 3,5 m.
Cầu được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985, do Liên Xô (cũ) hỗ trợ Việt Nam xây dựng.
Năm 2009, mặt cầu Thăng Long đã được trải lại toàn bộ lớp thảm mặt cầu tầng 2 bằng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô dồn, nứt ngang mặt do dính bám giữa bê tông nhựa mới sửa và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu.
Sau đó, cầu Thăng Long còn được “đại tu” thêm vào các năm 2013, 2016 với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng mặt cầu vẫn hư hỏng.
|
Phi Long/VOV.VN