Vì thủ tục, hay vì mức độ phù hợp khi triển khai?
Tại điểm xuống đường Vành đai 3 trên cao, đối diện Nhà máy nước Mai Dịch, Hà Nội, một tổ công tác của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội túc trực từ sáng sớm để thực hiện kế hoạch Tổng kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông.
Chỉ gần 30 phút, 2 ô tô đã bị dừng xe kiểm tra vì lỗi đi vào giờ cấm. Khi được hỏi, cả 2 tài xế này không hề biết có quy định người vi phạm được cược tiền để tự bảo quản phương tiện vi phạm:
Tài xế: Chưa biết. Chắc cái này mình cũng phải tìm hiểu xem.
PV: Nếu chẳng may mình dính phải các lỗi thì mình có ý định cược tiền?
Tài xế: Dạ có chứ, vì xe còn phải đi chở hàng.
PV: Nhưng nếu cược tiền mang xe về cũng không được lưu hành nữa?
Tài xế: Nếu thế thì thôi vì xe này em cũng chỉ lái thuê thôi, nên việc đấy chắc là thuộc thẩm quyền của công ty.
Cũng trong ca làm việc đó, một tài xế Grabike bị dừng xe xử lý vì lỗi đi lên cao tốc vành đai 3 trên cao, song khi biết ngay cả cược tiền để lấy xe về tự bảo quản thì phương tiện cũng không được tiếp tục lưu hành, tài xế này cũng lắc đầu: "Thôi em cũng phải chấp nhận thôi ạ, bởi vì mang về cũng không được sử dụng".
Đội CSGT số 14, tại thời điểm phóng viên VOVGT có mặt, 2 người vi phạm TTATGT bị tạm giữ phương tiện cũng đang chờ làm thủ tục để nhận xe. Anh Nguyễn Hồng Nghi, ở Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội khẳng định nếu sớm biết có chính sách người vi phạm tự cược tiền để tự bảo quản phương tiện thì anh sẽ thực hiện: "Mình muốn thế, thứ nhất là đỡ phải đi lại và xe tự mình bảo quản không bị mưa gió, đồng thời đỡ mất chi phí gửi xe".
Anh Bùi Văn Tám, Ở Hoàng Mai, Hà Nội điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn bị tạm giữ phương tiện 7 ngày. Anh Tám khẳng định, trước đó không biết có quy định người vi phạm được nộp tiền cược để tự bảo quản phương tiện, nhưng khi nghe phổ biến thủ tục, anh Tám tỏ ra e ngại:
"Cũng hơi căng, vì nhiều thủ tục như thế cũng hơi rườm rà, nếu cần thiết thì chỉ cần một giấy cam đoạn là được, bởi vì xe là phương tiện của mình".
Trung tá Nguyễn Như Quyết, Đội Phó Đội CSGt số 14, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, từ 1/5/2020 đến nay có 67 phương tiện vi phạm TTATGT bị tạm giữ. Mặc dù khi xử lý, lực lượng chức năng cũng phổ biến chính sách người vi phạm được cược tiền để tự bảo quản phương tiện, nhưng hầu như các chủ phương tiện đều từ chối nộp tiền bảo lãnh:
Hiện nay việc tạm giữ phương tiện rất ngắn, thường là 7 ngày. Người vi phạm được muốn tự bảo quản phương tiện phải báo cáo cấp trên, được cấp trên đồng ý mới được đặt tiền bảo quản bảo lãnh. Vì thế, người vi phạm hầu như không quan tâm đến nghị định này".
Thống kê của Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho thấy, sau 1 tháng vẫn chưa có trường hợp nào người vi phạm nộp tiền để tự bảo quản phương tiện vi phạm. Thiếu tá Đỗ Xuân Khoa, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, từ 1/5 đến nay, khi Nghị định 31 có hiệu lực, đơn vị đã xử lý, tạm giữ 73 phương tiện, trong đó có 3 ô tô, 70 mô tô, xe máy, nhưng không có trường hợp nào nộp tiền để tự bảo quản phương tiện:
"Chỉ có 2 trường hợp đến hỏi thủ tục xin bảo lãnh phương tiện, nhưng sau khi được giải thích, hướng dẫn thủ tục thì họ đi về và hết ngày tạm giữ phương tiện họì mới quay lại làm thủ tục nộp phạt và nhận lại phương tiện".
Thống kê của Cục CSGT cũng cho thấy, đến nay cả nước cũng chưa có trường hợp nào người vi phạm cược tiền để tự bảo quản phương tiện vi phạm. Theo một số ý kiến, do thời gian bị tạm giữ phương tiện thường chỉ kéo dài 7 ngày, trong khi để hoàn thành các thủ tục đặt ra, người dân cũng phải mất 3-4 ngày. Do vậy, hầu hết họ từ chối việc cược tiền để tự bảo quản phương tiện.
Việc cho phép người vi phạm cược tiền để tự bảo quản phương tiện được kỳ vọng giúp giảm tải cho các bãi trông giữ phương tiện, tránh lãng phí. Tuy vậy, dưới góc nhìn của VOVGT, ngay cả khi mục đích tốt, quy định cũng có thể chỉ nằm ở dạng ý tượng, nếu không đi trúng vấn đề mà nó nhắm tới.
Cần giải pháp trúng hơn
Lãng phí, nguy cơ cháy nổ, áp lực trong xử lý phương tiện... đó là những bất cập đặt ra trước tình trạng, hàng loạt bãi trông giữ xe phạm bị quá tải. Nghị định 31/2020 của Chính phủ với điểm mới: cho phép người vi phạm có thể cược tiền để tự bảo quản phương tiện, được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục những bất cập này, giảm gánh nặng cho cơ quan thực thi công vụ, đồng thời nâng cao trách nhiệm, sự chủ động của chính người tham gia giao thông với phương tiện của mình.
Kết quả một tháng triển khai, chưa đủ để phản ánh mức độ phù hợp của quy định với thực tế, song cũng phần nào cho thấy khoảng cách nhất định giữa mong muốn và cách thức giải quyết vấn đề, đối với các bãi trông giữ xe vi phạm.
Thứ nhất, người vi phạm bị giữ xe không có lý do lựa chọn hình thức cược tiền, vì chưa thấy lợi.
Khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, có 3 trường hợp bị tạm giữ phương tiện giao thông, trong đó vi phạm hành chính giao thông chỉ áp dụng tạm giữ xe đối với trường hợp cần thiết, mà nếu không tạm giữ xe thì có thể gây nguy hiểm cho xã hội (như vi phạm ma túy, nồng độ cồn).
Hoặc để đảm bảo quyết định xử phạt được thi hành (như trường hợp vi phạm hành chính giao thông ở mức bị phạt tiền mà không đem theo giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành phương tiện thì phải giữ xe, để buộc người vi phạm phải quay lại chấp hành). Nếu đã chấp hành xong quyết định xử phạt thì phương tiện được trả lại cho người tham gia giao thông.
Đây cũng là toàn bộ các trường hợp mà người vi phạm được phép cược tiền để tự trông giữ xe.
Tuy vậy, thực tế với sự điều chỉnh tăng nặng các mức xử phạt vi phạm hành chính giao thông theo Nghị định 100, đa phần người đi ô tô đều chấp hành nộp phạt và lấy lại phương tiện tạm giữ chỉ trong vòng vài ngày, chứ không đợi đến hết thời gian tạm giữ.
Người sở hữu xe ga, xe có giá trị cao cũng chọn cách nộp phạt ngay để lấy xe về, đỡ đi lại giải quyết nhiều lần. Đối với các trường hợp xe cũ hơn, giá trị thấp, người vi phạm sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” để trốn tránh mức phạt nhiều triệu đồng.
Thứ hai, trong khi chưa thấy triển vọng lợi ích, thì việc cược tiền để được tự bảo quản xe lại cho thấy những nguy cơ phiền toái rất rõ đối với chủ phương tiện.
Theo quy định tại điều 14 Nghị định 31, chủ phương tiện sẽ phải làm đơn, khai báo đủ các nội dung liên quan, rồi nhiều thứ giấy tờ xác nhận, khai báo về sự thay đổi nơi trông giữ, kiểm tra xác nhận tình trạng phương tiện, v.v.
Chỉ nghe phổ biến, lái xe đã đủ “ù tai”. Chưa kể, chẳng ai “lạy ông tôi ở bụi này” khi vi phạm lại còn đi xin xác nhận của cơ quan nơi làm việc, của chính quyền địa phương để hoàn tất thủ tục.
Nói tóm lại, xét thực tế cũng như quy định hiện hành, người vi phạm hành chính giao thông trong diện bị tạm giữ xe gần như không có lý do để lựa chọn phương án cược tiền, tự trông giữ. Vấn đề của các bãi trông giữ xe vi phạm không nằm ở sự quá tải số xe hay thời gian trông giữ theo quy định, mà ở tình trạng “vô chủ” của phương tiện.
Để giải quyết nó, việc cần làm là sửa đổi quy định về thủ tục xử lý phương tiện nhóm này sao cho nhanh gọn hiệu quả hơn (từ thời hạn tạm giữ,số lần thông báo, quá trình định giá, đấu giá, thanh lý) đồng thời cải thiện chất lượng trông giữ, để xe vi phạm không thành sắt vụn sau thời gian nằm bãi.
Mọi sự “đặt cược” chỉ diễn ra khi người cược thấy có lợi cho mình, và xuất phát từ mong muốn của chính họ, trong phạm vi pháp luật cho phép. Nếu không bám sát các lợi ích này, thì dù mục đích tốt, các quy định vẫn sẽ chỉ dừng lại ở ý tưởng./.
Kiều Tuyết - Quách Đồng/VOVgiaothong.vn