Một trong những nội dung trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại tổ sáng 10/6, đó là việc bổ sung quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.
Vấn đề đặt ra là nên coi đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý xử lý vi phạm hành chính.
Địa phương bức xúc với trường hợp chây ỳ
Đại biểu Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT ủng hộ quan điểm coi đây là biện pháp cưỡng chế với những lập luận mà Chính phủ nêu ra là ngăn chặn tối đa việc tiếp tục vi phạm, đảm bảo trật tự kỷ cương.
Dẫn thực tế qua giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường năm 2018, 2019, ông Trần Văn Minh cho biết, có khá nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm túc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không tích cực có biện pháp bảo vệ môi trường mà cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra, thậm chí không những không chấp hành mà còn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
“Chính quyền địa phương cũng rất bức xúc. Các tỉnh, thành chúng tôi đi qua khi được hỏi lý do vì sao thì họ đều trả lời là không có biện pháp bổ sung để thi hành. Họ kiến nghị cần có biện pháp này, tức ngừng cung cấp dịch vụ điện nước. Dự thảo luật đặt ra quy định này tôi nhất trí” – ông Trần Văn Minh nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn thực tế quá trình giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, dù đầy đủ các điều kiện rồi nhưng có trường hợp vẫn chây ỳ không chấp hành và việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước cũng là biện pháp được tính đến. Do đó, ông ủng hộ cần quy định cơ chế này để chính quyền cơ sở có thể áp dụng.
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh, để áp dụng ngừng dịch vụ cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn thì cần suy xét đến tính chất của hành vi vi phạm và việc áp dụng biện pháp này gây ảnh hưởng ra sao.
“Tôi lựa chọn đó là biện pháp cưỡng chế thì sẽ tốt hơn rất nhiều, không nên coi đó là biện pháp trước. Bởi lẽ nếu áp dụng trước, sau đó rất có thể lại thành không đúng. Đến lúc đấy, tính toán bồi thường như thế nào rất phức tạp”, đại biểu Ngô Trung Thành phân tích và cho rằng, nếu áp dụng là biện pháp xử lý trước thì rất dễ bị lợi dụng.
Đúng tội, đúng hành vi mới “tâm phục, khẩu phục”
Cho rằng đây là điểm mới, đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đề nghị cần phải có quy định chi tiết hơn vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu, liên quan đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của người dân, doanh nghiệp.
“Các đối tượng liên quan cùng làm việc, sinh sống thì tính thế nào? Một cá nhân vi phạm ảnh hưởng đến cả tổ chức thì sao?” – bà Minh đặt vấn đề và đề nghị nên thận trọng cụ thể chế tài này vì chỉ một hai dòng như dự thảo thì có thể chưa nhận được sự đồng thuận.
Nêu quan điểm khác, đại biểu Bùi Văn Xuyền – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật không đồng tình về đề xuất coi ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hành chính và cũng không nên lập luận áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác như giải phóng mặt bằng.
“Dù là xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự thì đều phải đúng người, đúng tội, đúng hành vi. Như thế mới “tâm phục khẩu phục” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh và nêu quan điểm đồng ý ngừng cung cấp điện, nước chỉ là biện pháp ngăn chặn với điều kiện sử dụng điện nước là tiền đề, điều kiện để vi phạm hành chính.
Nhiều ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật khi thẩm tra dự án luật cũng tán thành với loại ý kiến chỉ bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.
Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính./.
Ngọc Thành/VOV.VN