Nhiều ý kiến về việc chi hơn 100 tỷ đồng rửa đường ở Hà Nội

Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc mới gượng dậy sau dịch cũng cần tính toán nguồn tiền, cùng với đó phải có nhiều giải pháp đồng bộ lâu dài.

 

Hà Nội chi hơn 100 tỷ đồng rửa đường

Việc thực hiện tưới nước rửa đường được UBND thành phố Hà Nội thống nhất dựa trên nguyên tắc đảm bảo vệ sinh môi trường, hiệu quả, tránh lãng phí, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút và không tưới nước rửa đường trong ngày mưa.

Sở Tài chính được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ hướng dẫn UBND các quận huyện và Sở Xây dựng bố trí nguồn kinh phí để tưới nước rửa đường đảm bảo đúng quy định của pháp luật và thực hiện lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của Chính phủ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, công tác tưới nước rửa đường dựa trên đề xuất của 30 quận huyện trên toàn thành phố. Việc tưới nước rửa đường chỉ thực hiện khi các tuyến đường, phố, khu vực là một nội dung công việc trong công tác duy trì vệ sinh môi trường.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công tác tưới nước rửa đường phải thực hiện sau khi đã hoàn thành công tác quét hè và đường phố tại các khu vực trung tâm, tuyến đường chính, trọng điểm, khu vực thường xuyên tổ chức sự kiện, lễ kỷ niệm, các thời điểm nắng nóng kéo dài, các ngày chất lượng không khí thành phố được Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo ở mức “kém” trở lên.

Trước đó thành phố Hà Nội đã quyết định dừng tưới nước rửa đường từ tháng 2/2017.Trước đó thành phố Hà Nội đã quyết định dừng tưới nước rửa đường từ tháng 2/2017. Thời điểm đó thành phố Hà Nội mua 50 xe hút bụi, rác của Đức để phục vụ công tác vệ sinh đường phố. Một xe hút rác mỗi ngày hút được 1,5m3 bụi, rác, bằng sức làm của 12 công nhân. Lúc này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội giải thích, khi sử dụng xe hút rác, Hà Nội không mất 70 tỷ đồng tiền tưới nước mỗi năm, đồng thời giảm cả công sức công ty thoát nước phải hút bùn dưới cống do rửa đường trôi xuống.

Sau đó, việc rửa đường chỉ diễn ra khi có các sự kiện lớn trên địa bàn thủ đô hoặc rửa đường tại các tuyến phố quanh Hồ Gươm vào đêm trước và sau ngày tổ chức không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận.

Quyết định rửa đường trở lại được lãnh đạo Hà Nội đưa ra cuối năm 2019 trong bối cảnh thành phố hứng chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài (năm 2019 thành phố ghi nhận sáu đợt ô nhiễm không khí), chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.

Rửa đường không phải là giải pháp duy nhất giải quyết ô nhiễm

Trao đổi với Phóng viên VOV.VN, liên quan vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, Hà Nội mấy năm gần đây đã dừng việc rửa đường, thay vào đó dùng các phương tiện quét rác mới.

“Do tình hình ô nhiễm lên cao, năm ngoái Hà Nội đã cho phép rửa đường trở lại. Việc làm này là cần thiết tại các đô thị giúp chỉnh trang đô thị sạch sẽ qua đó giúp giảm thiểu bụi”, TS. Hoàng Dương Tùng cho hay.

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. Việc rửa đường sẽ được thực hiện trên toàn thành phố nhằm giảm ô nhiễm không khí, sạch bụi bẩn.Theo TS. Tùng, ở Hà Nội hiện nay rất bụi, bụi từ các công trình xây dựng, nhà máy sản xuất, phương tiện giao thông, chỉnh trang hè phố,…Mấy năm qua Hà Nội không rửa đường, dùng xe quét rác mới không cải thiện được ô nhiễm không khí, bây giờ quay trở lại rửa đường là việc làm cần thiết. Tuy nhiên cần tính toán rửa vào thời điểm nào cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

“Cả thành phố Hà Nội rộng lớn như vậy mà dùng 100 tỷ để rửa đường, chắc đã có những tính toán phù. Hà Nội đã có phương tiện từ lâu, quyết định rửa lại như vậy cũng hợp lý. Trước đây chỉ những hội nghị, sự kiện quan trọng mới tiến hành rửa đường. Tôi nghĩ việc rửa đường này lẽ ra phải làm thường xuyên, liên tục, ngoài ra cần phải thực hiện chỉnh trang, trồng cây xanh,…là phần không thể thiếu trong quản lý đô thị, tất nhiên cần tính toán cho hợp lý”, TS. Tùng nhấn mạnh.

TS Tùng cho rằng, việc rửa đường tại các đô thị là việc làm hết sức bình thường, ở Hà Nội đã làm trước đó và các nước trên thế giới họ cũng làm thường xuyên liên tục. “Tôi cho rằng việc làm này rất cần thiết, nhất là ở các đô thị lớn của Việt Nam đang có diễn biến ô nhiễm không khí đáng lo ngại như hiện nay. Việc rửa đường như vậy chắc chắn sẽ góp phần cải thiện phần nào đó về chất lượng không khí ở Hà Nội, nhất là lòng đường, hè phố sẽ khang trang, sạch bụi hơn”.

Cùng chung quan điểm với TS Tùng, GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho rằng, việc Hà Nội quyết định rửa đường là biện pháp tốt giúp làm sạch được lượng bụi ở đường quẩn lên từ xe cộ.
Tuy nhiên, GS.TS Phạm Ngọc Đăng lại lo ngại: “Căn bản nhất là việc quản lý giữ đường cho sạch sẽ, lâu dài chứ không dọn vệ sinh, chở đất cát vương vãi,…làm sao giải quyết được. Cần có nhiều giải pháp đồng thời chứ chỉ dùng một giải pháp thì khó lòng làm giảm ô nhiễm được”.

Theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng, ngoài việc rửa đường thì cần quét dọn vệ sinh thường xuyên. “Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp làm sạch bụi bẩn mặt đường chứ nguồn ô nhiễm vẫn từ nhiều yếu tố như từ các phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất,… rửa đường chỉ là 1 giải pháp nhỏ, thuần túy. Vì vậy không thể có 1 biện pháp duy nhất mà giải quyết được ô nhiễm của Hà Nội. Cần phải đồng bộ nhiều biện pháp, kiên trì, lâu dài. Cứ hứng lên làm thì không ăn thua. Dùng rất nhiều tiền vào một biện pháp mà biện pháp đó không có tính chất quyết định toàn bộ thì làm sao mà giải quyết được vấn đề”.

GS.TS Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh: “Cần sự nỗ lực của toàn xã hội, nhất là cơ quan quản lý mới có thể giải quyết được chất lượng không khí ở Hà Nội”.
Trong khi đó, ông Trần Đức Mạnh (là người dân sống ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mục đích của việc rửa đường sau nhiều năm dừng hoạt động này là rất hợp lý. “Tuy nhiên, việc dùng nhiều tiền như vậy cần giám sát chặt chẽ, từng khâu, từng địa điểm để thấy hoạt động có thực hiện đúng theo mục đích đề ra và đánh giá xem hiệu quả thế nào. Đất nước đang gượng dậy sau đại dịch Covid-19, việc dùng nhiều tiền ngân sách cần phải đúng mục đích, đạt hiệu quả, tránh lãng phí”./.

Theo quy định việc tưới nước rửa đường thường xuyên được áp dụng đối với các tuyến đường, phố, khu vực thường xuyên phát sinh bụi bẩn, đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường sau khi thực hiện các hạng mục công tác duy trì khác.

Việc tưới nước không thường xuyên được Sở Xây dựng quy định thực hiện khi có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và áp dụng đối với tuyến đường, phố, khu vực tổ chức sự kiện, chống nóng, lễ hội…

Thành phố yêu cầu hoạt động rửa đường không chồng lấn với xe quét hút và không thực hiện trong ngày mưa. Kinh phí chi trong năm 2020 ước tính trên 114 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách. Trong đó quận Cầu Giấy dự kiến chi cao nhất với gần 11 tỷ đồng, huyện Ba Vì đứng thứ 2 với 7,8 tỷ đồng. Huyện Đông Anh thấp nhất, gần 500 triệu đồng.

Mỗi khu vực có tiêu chí rửa đường riêng. Quận Hoàn Kiếm rửa đường 3 lần/tuần tại phục vụ không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; tuyến phố đi bộ. Các tuyến phố trục chính như Lý Thường Kiệt Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng rửa hàng ngày. Tuyến phố phục vụ an ninh trật tự (chống đua xe) rửa 4 lần/tuần. Quận Ba Đình có kế hoạch rửa đường ở 37 tuyến, đa số một lần/tuần. Quận Cầu Giấy rửa hàng ngày cho gần 50 tuyến đường.

Hầu hết các huyện có tần suất rửa đường ít hơn nội thành. Đông Anh rửa đường 2 lần/tháng (24 lần/năm); Thường Tín 128 lần/năm; Mê Linh 234 lần/năm. Hai huyện Sóc Sơn và Ba Vì duy trì việc rửa đường hàng ngày ở các tuyến đường, phố chính...

Văn Ngân/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận