Gia Lai: Bát nháo dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ

  • 21/11/2018 12:00:00
  • Nguyễn Thảo
  • Xã hội
  • 0

Việc buông lỏng quản lý đang khiến hoạt động của dịch vụ thẩm mỹ tại Gia Lai trở nên bát nháo.

 

Phẫu thuật thẩm mỹ không phép

Tại tỉnh Gia Lai hiện có 109 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thì tới nay mới chỉ 2 đơn vị công bố hoạt động theo đúng quy định. Nhiều năm nay, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ở Gia Lai vẫn quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ công nghệ cao, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ - là những dịch vụ mà chỉ các phòng khám hoặc bệnh viện thẩm mỹ mới được phép làm.

Chỉ dài khoảng 1km nhưng dọc đường Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai có gần chục cơ sở treo biển quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ với nhiều loại hình phun, xăm, nối mi, massage, chăm sóc da. Nhưng tất cả đều chưa công bố hoạt động theo quy định. Tại cơ sở Cát Tường, ở số nhà 96, biển quảng cáo bên ngoài đề dịch vụ nối mi nhưng bên trong lại đề hàng loạt dịch vụ khác như phun, xăm môi, xăm lông mày, điều trị mụn. Thậm chí, có cả những dịch vụ sử dụng công nghệ cao như điều trị nám, tàn nhang bằng laser. Trong khi đó, chủ cơ sở này không hề có chuyên môn về y khoa, thẩm mỹ, mà chỉ học từ một cơ sở khác theo kiểu truyền nghề.


Bên trong cơ sở làm đẹp Cát Tường (đường Nguyễn Tất Thành, Pleiku)

Tương tự, dù chưa được cấp phép hay công bố hoạt động, nhưng Spa Bội Ngọc, số 348 đường Cách Mạng tháng Tám, TP. Pleiku đã hoạt động nhiều năm nay. Cơ sở này có diện tích hơn 100m2 chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế, chưa có phòng vô trùng. Tuy nhiên, lâu nay, chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Kim Thy vẫn đốt nốt ruồi, tiêm giảm mỡ bụng, truyền trắng cho khách hàng. Không những thế, là bác sĩ chuyên ngành da liễu, nhưng chủ spa lại quảng cáo và tiến hành nhiều ca tiểu phẫu như cắt mí mắt, bóc tách mỡ bọng mắt, những việc mà chỉ bác sĩ thẩm mỹ mới được phép làm. Bà Kim Thy còn cho biết bà từng tiểu phẫu sửa lại vết cắt mí hỏng của nhiều khách hàng.

Ngay cả những nơi đã công bố hoạt động như thẩm mỹ viện An An ở số 126 đường Phan Đình Phùng, Pleiku cũng thực hiện nhiều dịch vụ vượt quá phạm vi hoạt động của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp, thẩm mỹ viện này đăng ký các dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, trên facebook và trang web của mình, thẩm mỹ viện An An quảng cáo các dịch vụ công nghệ cao như đốt nốt ruồi, điều trị nám, tàn nhang bằng laser, nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy, độn cằm V-line. Đây là các dịch vụ mà chỉ các phòng khám hoặc bệnh viện thẩm mỹ mới được phép làm. Với mức giá dao động từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng cho mỗi dịch vụ, thẩm mỹ viện này đã thu khoản lợi nhuận không hề nhỏ trong một thời gian dài.


Hình ảnh quảng cáo cắt mỡ bọng mắt trên zalo của bác sĩ Kim Thy (Spa Bội Ngọc, đường Cách mạng Tháng Tám, Pleiku).

Một nhân viên tại thẩm mỹ viện An An cho biết: “Ở đây, công nghệ mới nào cũng có, vì spa này cung cấp máy móc công nghệ mới cho các spa nhỏ. Tàn nhang, nốt ruồi là xử lý bằng công nghệ laser CO2 fractional”.

Đăng ký một đằng, làm một nẻo

Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện những dịch vụ chăm sóc thông thường, không có tính chất xâm lấn, không tiêm chích. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ được hoạt động khi gửi hồ sơ công bố về Sở Y tế địa phương.

Điều đáng nói, đa số các cơ sở chưa công bố hoạt động vẫn vô tư thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, sử dụng nhiều máy móc, thiết bị y tế công nghệ cao để điều trị các bệnh lý về da giống như một phòng khám hoặc bệnh viện thẩm mỹ. Thậm chí, nhiều cơ sở cắt tóc, gội đầu đã tự nâng cấp thành cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Ông Phạm Quyết Thắng, chuyên viên phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Gia Lai cho biết, điều này tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe cho khách hàng. “Nhiều trường hợp nhấn mí xong bị phù nề, chảy dịch, viêm tấy, thậm chí là mù một mắt. Ví dụ như tiêm filler nâng mũi, tiềm nhầm vào động mạch thì có thể gây mù một bên mắt. Đối với việc xăm mày, xăm môi, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh qua đường máu rất nhiều, có thể là HIV, viêm gan B, các bệnh da liễu khác. Họ phải được cấp chứng chỉ về hành nghề xăm phun thêu lông mày, mắt, chứng chỉ chăm sóc da và được tập huấn về phòng chống lây nhiễm thì mới đủ điều kiện. Những cơ sở không đủ các điều kiện này dĩ nhiên phải bắt đóng cửa”, ông Phạm Quyết Thắng cho hay.


Spa An An, đường Phan Đình Phùng, Pleiku.

Cũng theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Sở Y tế địa phương có trách nhiệm mở lớp tập huấn và cấp chứng nhận phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, tới nay, ngành y tế Gia Lai chưa triển khai hoạt động này. Cũng từ đó tới nay, cơ quan chức năng cũng mới chỉ tổ chức 2 đợt thanh tra, nhưng chưa xử phạt cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nào vi phạm. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho rằng: “Có nhiều yếu tố khiến Sở chưa quản lý được loại hình dịch vụ mới này. Tình trạng cơ sở vi phạm nhưng thanh tra không phát hiện được là một cái khó, bởi hoạt động thanh tra theo kế hoạch. Chỉ có cách là thanh tra đột xuất theo chủ đề, theo phản ánh của người dân thì mới hiệu quả. Nhưng hiện tại, Sở Y tế cũng chưa nhận được phản ánh nào”.

Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chạy theo lợi nhuận, bất chấp quy định. Trong khi, ngành y tế địa phương lại quản lý lỏng lẻo, việc thanh tra phát hiện còn gặp nhiều khó khăn. Chính những điều đó đang khiến hoạt động của loại hình dịch vụ này tại Gia Lai ngày càng bát nháo./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận