Chung cư mini tạo sức ép lên hạ tầng khu vực trung tâm đô thị

Công trình nhà chung cư mini xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị.

 

Chung cư mini “nở rộ” tại các thành phố lớn

Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) trong giai đoạn 2010-2020, TPHCM và một số thành phố phát triển đã nở rộ tình trạng xây dựng chung cư mini, chung cư hộp diêm, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành.

Nguyên nhân sự nở rộ chung cư mini này bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân. Kế đến là do những hạn chế trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở. Ngoài ra, do các đầu nậu và một số doanh nghiệp móc nối với hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình nhà chung cư mini trái phép.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, có những công trình nhà chung cư mini xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Các chung cư mini cũng không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Chung cư mini sức ép lên hạ tầng khu vực trung tâm đô thị. (Ảnh: KT)

“Để kiểm soát tình trạng phát triển tự phát chung cư mini, HoREA thống nhất với Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ kiểu chung cư mini có nhiều tầng, nhiều căn hộ, có vi phạm các quy định pháp luật, như xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian…” - ông Lê Hoàng Châu nói.

Bên cạnh công tác quản lý, kẽ hở để chung cư mini lách luật ồ ạt trong giai đoạn 2010-2020 bắt nguồn từ Điều 46 Luật Nhà ở 2014, cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên. Tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu chung - riêng của nhà chung cư.

Theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó. Đây là cơ sở pháp luật để phát triển loại hình nhà chung cư mini trong thời gian qua và đã bị lợi dụng để xây dựng trái phép, sai phép nhà chung cư mini. Để ngăn chặn tình trạng này, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014.

Khó làm sổ đỏ nhưng vẫn có người mua vì giá "mềm"

Mở các trang web mua bán bất động sản không khó khi thấy hàng loạt các thông tin về mua bán chung cư mini các dự án như ở các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… của thành phố Hà Nội.

Các căn hộ chung cư đều có diện tích nhỏ từ 30-50 m2 vì thế giá bán của chung cư mini “mềm” hơn nhiều so với chung cư thương mại từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng theo từng diện tích.

Theo một chủ đầu tư làm chung cư mini, hầu hết các chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa cấp được sổ đỏ cho từng căn hộ mà đều phải sử dụng chung sổ đỏ. Các chung cư mini được mua bán giao dịch thông qua những hợp đồng công chứng.

Theo luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các vướng mắc trong việc làm sổ đỏ đều từ phía chủ đầu tư không phải do người mua nhà. Các chủ đầu tư muốn tăng lợi nhuận đều xây dựng sai giấy phép, lỗi phổ biến là vượt tầng. Khi xây dựng sai phép thì cả tòa nhà sẽ không thể tách sổ đỏ cho từng căn hộ.

“Chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật nhưng hiện tại người mua nhà là người gánh hậu quả chứ không phải là chủ đầu tư, đây đang là vấn đề bất cập. Người mua nhà chỉ biết mua nhà theo hợp đồng mua bán công chứng với chủ đầu tư chứ không thể can thiệp vào quá trình đầu tư xây dựng dự án” – luật sư Trương Anh Tuấn cho hay./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận