Nông dân kêu cứu
Khu phố Hòa Đình, Phường Võ Cường (TP Bắc Ninh) lâu nay được biết đến là khu vực chuyên trồng các loại rau xanh, hoa màu của tỉnh Bắc Ninh để cung cấp cho các chợ đầu mối ở trong vùng và các tỉnh, thành lân cận.
Hiện, toàn khu Hòa Đình có gần 300 hộ chuyên trồng rau và hoa màu với tổng diện tích hơn 32ha. Các loại rau màu ở đây được trồng xen kẽ, quanh năm nối tiếp nhau tạo vòng quay để sử dụng đất khép kín với nhiều loại cây như: Cà rốt, su hào, bắp cải, hành tây, cà chua, bí xanh, các loại rau gia vị…
Cứ đều đặn vào khoảng 3h - 4h mỗi ngày, người dân trong vùng lại ra ruộng thu hoạch những loại rau xanh như xà lách, bắp cải, rau húng, rau thơm…Buổi chiều, người dân thu hoạch các loại rau như cần tây, hành… để vận chuyển tới chợ đầu mối trong vùng giao cho các tiểu thương từ các nơi đổ về thu mua.
Nhìn những mớ rau xanh non mơm mởn ngoài chợ, ít người có thể biết rằng những mớ rau này đã và đang được các chủ ruộng ở khu Hòa Đình tưới bằng nước thải ô nhiễm đầy hóa chất độc hại, do bị ảnh hưởng từ làng nghề giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh) thải ra.
Theo các hộ dân khu Hòa Đình, dòng nước xung quanh các kênh mương ở đây bị ô nhiễm từ lúc đô thị hóa phát triển. Nhiều dự án công trình mọc lên, khiến ao, hồ trữ nước bị thu hẹp dần, nước tưới tiêu phải lấy từ các kênh mương bị nước thải nhiễm đầy hóa chất độc hại không qua xử lý của làng nghề giấy Phong Khê, xả thẳng ra dòng sông Ngũ Huyện Khê ngay cạnh khu Hòa Đình, sau đó chảy tràn vào các hệ thống kênh mương thủy lợi của bà con nơi đây.
Hoạt động sản xuất của các làng nghề giấy và cụm công nghiệp xung quanh vùng đã xả thải thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê khiến con sông này trở thành “dòng sông chết” nhiễm độc đầy hóa chất độc hại từ nhiều năm nay.
Tuy biết là ô nhiễm độc hại là vậy, nhưng người dân trồng rau ở Hòa Đình vẫn phải lấy nguồn nước thải ở Phong Khê vào trong khu đồng để tưới tiêu cho toàn bộ rau trong vùng. Ngoài việc dùng nước thải để tưới cây, những hộ trồng rau ở đây còn phải dùng chính nguồn nước này để rửa rau sau khi thu hoạch.
Người dân tại đây cho biết, từ nhiều năm nay họ chấp nhận bất lực nhìn dòng nước tưới tiêu rau màu bị ô nhiễm từ hóa chất làng nghề chảy tràn vào kênh mương. Trong đó có nhiều loại rau sống như xà lách, húng, rau mùi… được tưới bằng nguồn nước này, vì đây là nguồn nước duy nhất.
Bà N.T.Đ., một người dân trồng rau lâu năm trong làng Hòa Đình cho biết: “Những ngày mưa còn đỡ, chứ hôm nào nắng hạn kéo dài chỉ một tuần thôi là tất cả các kênh mương trữ nước ở đây bị cạn kiệt, bắt buộc chúng tôi phải lấy nước từ cánh đồng Chiêm đang bị nhiễm độc bới nước thải của làng nghề giấy Phong Khê để tưới rau màu.”
“Xung quanh đây nhiều cánh đồng ruộng đã bị bỏ hoang vì nước thải đen xì, sủi bọt đầy hóa chất tràn vào các kênh mương, ngấm cả vào đất canh tác và nguồn nước ngầm hết rồi. Nhìn dòng nước hôi thối, biến màu như vậy kiểu gì chả độc hại và nguy hiểm tới sức khỏe, nhưng không dùng thì chúng tôi biết lấy nước ở đâu mà chăm sóc rau màu phát triển được bây giờ?” Ông Đ.V.T., người dân khu phố Hòa Đình, Phường Võ Cường không giấu nổi vẻ thất vọng khi chia sẻ với phóng viên VTC News.
Trước việc nguồn nước tưới tiêu bị "đầu độc", người dân làng Hòa Đình đã gửi đơn kêu cứu và kiến nghị nhiều lần lên chính quyền địa phương các cấp, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Chấp nhận sống chung với ô nhiễm
Trả lời VTC News, ông Trương Khắc Chính, Phó Chủ tịch UBND phường Võ Cường cho biết, hiện nay nguồn thu nhập chính của người dân đại phương chủ yếu là từ trồng rau xanh và hoa màu các loại.
Toàn phường Võ Cường hiện có 78 ha đất canh tác trồng rau xanh và hoa màu, hàng ngày cung cấp ra ngoài thị trường trên 10 tấn rau, củ quả các loại, chủ yếu người dân giao bán cho các chợ đầu mối tại thành phố Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương.
Trong đó tại khu Hòa Đình có 32 ha đất trồng rau màu đang bị ảnh hưởng lớn từ nguồn nước tưới tiêu ô nhiễm của làng nghề giấy Phong Khê cạnh đó thải ra.
“Mấy năm trở lại đây, phường Võ Cường bị ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa lớn, khiến tình trạng giao thông, thủy lợi gặp nhiều khó khăn trong vấn đề phát triển nông nghiệp.
Người dân cử tri cũng bức xúc kiến nghị nhiều về các dự án của tỉnh chồng chéo vào các vùng trồng rau màu của bà con, làm cho các ao, hồ, mương máng tưới tiêu đồng ruộng bị thu hẹp lại khiến lượng nước trữ để tưới tiêu cho rau màu bị cạn kiệt”.
Trước thực trạng như trên chính quyền các cấp cũng bất lực, đành chấp nhận như vậy, biết làm sao được. Bây giờ mà đầu tư xử lý nước thải ô nhiễm và mương máng thủy lợi phục vụ nông nghiệp cho bà con thì lại chồng chéo vào các dự án xây dựng tái định cư, mở rộng đường 295B và dự án BT của tập đoàn Dabaco đã được thành phố và tỉnh quy hoạch. Điều này sẽ gây lãng phí, thất thoát nhiều ngân sách, kinh phí của Nhà nước", ông Chính trăn trở cho biết.
Ông Đỗ Quang Minh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ, kiêm cán bộ phụ trách Nông nghiệp của UBND Phường Võ Cường cho biết: “Nguyên nhân một phần chính là do địa bàn trồng rau màu Hòa Đình bị chia cắt bởi các khu đô thị hóa, gây khó khăn cho giao thông thủy lợi, nên không lấy được nước tưới tiêu từ kênh N1 của thành phố cung cấp mà phải lấy nước từ bên sông Ngũ Huyện Khê chứa toàn nước thải từ các làng nghề xả ra ngoài chưa qua xử lý để phục vụ cho việc tưới tiêu đồng ruộng”.
Trước thực trạng như vậy, biện pháp trước mắt chính quyền địa phương cũng chỉ biết động viên bà con nông dân cố gắng tận dụng nước tự nhiên và nước giếng khoan để tưới tiêu cho rau màu.
Còn những lúc thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài thì đành chấp nhận lấy nguồn nước từ bên sông Ngũ Huyện Khê để phục vụ cho việc tưới tiêu cho rau, bất chấp điều này gây nguy hại tới sức khỏe cho người sử dụng.
TRUNG THÀNH- VĂN CHƯƠNG/VTC.VN