Người dân hài lòng với mô hình mới
Khám, chữa bệnh từ xa là một nhu cầu thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là đối với những người cao tuổi, có bệnh mãn tính. Đặc biệt là trong giai đoạn cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19, nhu cầu này càng trở nên cấp thiết. Dựa trên nền tảng sẵn có, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, TP.HCM mới đây đã triển khai thí điểm mô hình khám, chữa bệnh “tại” nhà, từ đó nâng lên niềm tin của người dân đối với y tế tuyến phường, xã.
Bà Nguyễn Thị Nữ, 61 tuổi ở phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM bị tăng huyết áp và thoái hóa 2 khớp gối nên đi lại khó khăn. Mấy tháng nay, bà Nữ được điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Loan, nhân viên Trạm y tế phường 16 đến thăm khám, đo huyết áp, lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ trạm. Sau đó, thông tin sức khỏe của bà Nữ được nhân viên y tế kết nối về với bác sĩ. Các kết quả lâm sàng nhanh chóng được cập nhật, bác sĩ thực hiện thêm chỉ định và kê đơn thuốc thông qua máy tính bảng. Đơn thuốc sẽ được gửi về tận nhà cho bà Nữ sau đó.
Bà Nữ phấn khởi cho biết: "Tiện lợi lắm, không phải đi, không phải xếp hàng, không phải ngồi chờ, chỉ cần điện thoại là có bác sĩ hoặc y tá tới rồi. Giờ mình già rồi, lại đau khớp, đi đứng chậm chạp, phải đi xe đạp chứ đi bộ là không đi được xa. Vì thế, có bác sĩ đến tận nhà khám thì tốt quá. Các bác sĩ, y tá cũng tận tình, vui vẻ".
Bác sĩ Nguyễn Thị Thương, Trưởng trạm y tế Phường 16 quận Gò Vấp cho biết, bà Nguyễn Thị Nữ là một trong nhiều bệnh nhân được ưu tiên khám tại nhà, là người bệnh quen thuộc, đã được áp dụng phác đồ điều trị chuẩn, đáp ứng tốt với thuốc kê toa nên không cần phải lên trạm y tế hay đến bệnh viện để lấy thuốc.
Cũng theo bác sĩ Thương, hiện mỗi ngày trạm y tế khám nội khoa cấp cứu từ 20 - 30 lượt người, thực hiện khám, tiêm ngừa từ 60 - 70 lượt, trong khi trạm chỉ có 2 bác sĩ nên rất áp lực, người dân phải đợi lâu. Vì vậy, các điều dưỡng sẽ trực tiếp xuống nhà người dân, kết nối từ xa cho bác sĩ hỏi thăm sức khỏe người bệnh và đưa ra chỉ định: "Với mô hình này, chúng tôi vừa ngồi đây có thể khám trực tiếp tại trạm, khi nào có lịch thăm khám tận nhà dân thì điều dưỡng ở dưới đó sẽ gọi điện thoại lên và chúng tôi ngồi đây khám luôn. Chúng tôi sẽ kết nối với các tuyến trên như trung tâm y tế quận, bệnh viện quận hỗ trợ chuyên môn ngay tại trạm. Rất thuận tiện, còn người bệnh rất hài lòng về mô hình này".
TS.BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết, từ tháng 3/2020, trung tâm đã triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa, thông qua hệ thống telemedicine cho người dân trên địa bàn với các điểm cầu đặt tại Trạm y tế phường 16, phường 8, phường 12 và Phòng khám Đa khoa Nguyễn Thái Sơn. Mỗi ngày có điều dưỡng đến tận nhà người bệnh, thực hiện kiểm tra huyết áp, đo đường huyết... sau đó dùng máy tính bảng kết nối với bác sĩ tại trạm y tế để được thăm khám và kê đơn thuốc.
Cần một quy trình chặt chẽ để nhân rộng
Bác sĩ Hòa cho rằng, việc nhân rộng mô hình khám bệnh từ xa sẽ giúp những bệnh nhân mắc bệnh thường quy, bệnh mãn tính không lây dần dần được quản lý tại trạm y tế, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên: Nó có một lợi ích rất xa nữa, cấp thiết nữa, đó là chúng ta sẽ lấy điều trị để phòng bệnh Có nghĩa là khi đi điều trị bệnh cho người dân tận cộng đồng thì sẽ nhìn nhận được việc phòng bệnh cho cộng đồng như thế nào. Đặc biệt là các bệnh lây như sốt xuất huyết, tay chân miệng hay cúm, thì chúng ta sẽ phát hiện sớm được khi tiếp cận cộng đồng.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mô hình khám chữa bệnh từ xa đã góp phần lấp đầy khoảng trống vốn khá phổ biến hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các trạm y tế. Trong đó, đáng chú ý là đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi trong lúc nguồn nhân lực cho các trạm y tế, nhất là bác sĩ vẫn còn ít ỏi. Khám bệnh từ xa còn giúp đảm bảo tính liên tục trong điều trị tại bệnh viện và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng.
Ông Tăng Chí Thượng cũng cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm, từ mô hình của Gò Vấp, các chuyên gia của Sở Y tế sẽ ngồi lại để hoàn thiện thành một quy trình chặt chẽ, xem xét để có thể nhân rộng hơn. "Chúng tôi đưa ra mấy yêu cầu: Thứ nhất, phải phù hợp cho các đối tượng ưu tiên là người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính không lây. Tuy nhiên, phải khống chế những tình huống nào sẽ không được áp dụng theo phương thức này như biến chứng nặng… phải đưa người bệnh đến bệnh viện khám trực tiếp. Thứ hai, phải tuân thủ phác đồ điều trị mà tiến tới là BHYT chi trả", ông Tăng Chí Thượng cho hay.
Trước hiệu quả của hình thức khám chữa bệnh từ xa, mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt và triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới mục tiêu tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết và thường xuyên, góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến trung ương và địa phương. Với hình thức đổi mới, đến tận nhà, kết nối từ xa để bác sĩ các tuyến trên trao đổi trực tiếp với người dân góp phần nâng cao niềm tin vào tuyến y tế cơ sở, mọi người chỉ cần ở nhà cũng có thể thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng./.