Bước sang ngày thứ 4, bệnh viện này bị phong tỏa, đội ngũ y bác sĩ và hàng trăm bệnh nhân quen dần với cuộc sống trong khu cách ly. Các bác sĩ ở đây ngoài chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân còn làm nhiều cách như hát hò, nấu ăn đưa đến tận giường phục vụ người bệnh. Những ai đang ở trong bệnh viện này tin rằng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tiếng hát của Bác sĩ Lê Văn Đương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện C Đà Nẵng (Bộ Y tế) vang lên trong phòng bệnh, giúp bệnh nhân cảm thấy yên lòng.
Ông Vân, 64 tuổi, đang nằm điều trị tại khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, ông điều trị tại đây gần 1 tuần qua. Kể từ khi bệnh viện phát hiện bệnh nhân 416 dương tính với Sara- Cov-2, các bệnh nhân lớn tuổi trong này lo lắm.
Bác sĩ, nhân viên Bệnh viện C đã giúp mọi người yên tâm hơn. Họ mang cơm đến tận giường phục vụ bệnh nhân. Bác sĩ Đương, sau khi thăm khám cho bệnh nhân thì kể chuyện, tâm tình với bệnh nhân.
Ông Vân kể: "Bác sĩ hàng ngày có đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân ở đây. Chăm lo sức khỏe cho anh em ở đây rất tốt. Chúng tôi ở đây cảm thấy rất thỏa mái. Thậm chí cũng có y, bác sĩ bây giờ làm mọi việc khác nữa. Vừa đeo ống nghe thăm hỏi bệnh xong sau đó cất ống nghe đi lấy cây lau nhà lau phòng".
"Tối bác sĩ Đương có vào phòng nhắn nhủ, bảo tôi cố gắng giữ sức khỏe, cứ bình tĩnh và đồng thời cũng động viên bằng những bài hát vui, tất cả cùng hát. Đó là sinh hoạt rất có ý nghĩa để động viên tinh thần anh em bệnh nhân đang bị cách ly trong này, đó là điều rất quý", ông Vân nói.
Bác sĩ Lê Văn Đương là Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện C Đà Nẵng. Sau khi bệnh viện phát hiện ca dương tính với Sars- Cov-2, bác sĩ Đương được điều động lên Khoa Nội Hô hấp để điều trị chăm sóc các bệnh nhân cùng phòng với bệnh nhân 416.
Hiện, bác sĩ Đương cùng với ê kíp các y, bác sĩ ở đây đang điều trị cho bệnh nhân 420. Bác sĩ Đương chia sẻ, cách ly trong bệnh viện phần lớn là bệnh nhân lớn tuổi nên ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân thì bác sĩ phải động viên tinh thần cho người bệnh.
"Xuất phát từ tình thương của mình đối với các bác như người cha, trong bối cảnh phòng của các bác là phòng của bệnh nhân 416, các bác rất lo lắng. Hàng ngày tôi vào với các bác khám bệnh, nói chuyện và luôn luôn động viên tinh thần để các bác vững tâm. Mấy bác đôi khi cũng rất buồn, ở trạng thái là mình sẽ bị nhiễm bệnh hay không nữa. Cho nên lúc nào mình cũng phải tạo không khí cho phòng vui vẻ", bác sĩ Đương chia sẻ.
"Chúng tôi cũng được quan tâm từ chuyện ăn uống, đặc biệt lãnh đạo Bệnh viện. Giám đốc Bệnh viện xuống tận bếp nấu ăn để tạo động lực cho anh em đoàn kết", bác sĩ Đương cho hay.
Bước sang ngày thứ 4 bị phong tỏa, tập thể y, bác sĩ, nhân viên y tế ở Bệnh viện C quen dần với cuộc sống trong khu cách ly. Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng mấy đêm liền không sao ngủ được. Trước tinh thần chống dịch như chống giặc, trong điều kiện toàn bênh viện bị cách ly, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng đã có những dòng thư động viên tinh thần gần 1000 cán bộ, nhân viên đang bị cách ly và làm việc trong Bệnh viện này.Bác sĩ CKII Nguyễn Trọng Thiện viết: "Chúng ta không đơn độc, Lãnh đạo Bộ Y tế đã nhanh chóng hỗ trợ, đáp ứng mọi yêu cầu nhân lực, vật lực...Và chúng ta đều biết Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm trong tình huống dịch bệnh này, cả nước tập trung cho Đà Nẵng, từ chuyên gia xét nghiệm đến chuyên gia giám sát dịch tễ cộng đồng và chuyên gia điều trị. Cả hệ thống chính trị Đà Nẵng chủ động vào cuộc ngay từ đầu, trước khi ca bệnh được công bố. Nên hãy yên tâm rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid này".
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện nhắn nhủ với các cộng sự rằng, điều cần lắm lúc này là giữ cái đầu lạnh để tỉnh táo nhất, sáng suốt nhất và làm tốt nhất việc bảo vệ bệnh nhân, bảo vệ chính mình và đồng nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng chia sẻ: "Chúng tôi đang cách ly. Thế nhưng tinh thần anh em đang rất vững vàng, ai cũng rất bình thản làm những công việc thường ngày đang làm. Rất đoàn kết, chia sẻ, khi hoàn thành tất cả công việc dù lớn dù bé trong bệnh viện, nhất là quan tâm hết mức đến công tác điều trị bệnh nhân".
"Từ Giám đốc xuống đến nhân viên, mỗi người một nhiệm vụ đều phải làm hết sức mình, ai cũng đồng lòng, ai cũng cố gắng hết mình. Tôi mới viết một câu là "không ai bỏ chúng ta lại phía sau đâu, hãy cố gắng lên và phải nhìn ra phía trước là một niềm tin chúng ta phải chiến thắng", bác sĩ Thiện khẳng định./.
Thành Long/VOV-Miền Trung