Từ Hà Nội là Bệnh viện Bạch Mai, từ TP HCM là Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi máy ECMO và đoàn công tác đặc biệt tới hỗ trợ tích cực cho Bệnh viện Đà Nẵng về công tác phân luồng bệnh nhân, cách ly, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng. Bệnh viện Trung ương Huế cũng chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị để tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 từ Bệnh viện Đà Nẵng, nhằm giảm tải cho vùng tâm dịch...
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch cụ thể và có văn bản chỉ đạo công tác chuyển tuyến, chỉ đạo tuyến, phân luồng cách ly, và đặc biệt là điều trị những bệnh nhân nặng tập trung cho Đà Nẵng.
PV: Xin ông cho biết tới đây Bộ Y tế và Đà Nẵng có kế hoạch như thế nào trong việc chuyển tuyến cho các bệnh nhân và trong trường hợp số ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng ngày càng tăng thì kế hoạch điều trị sẽ như thế nào?
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, chúng ta đã phát hiện những ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng ở Đà Nẵng, đặc biệt, trong Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng. Các ca mắc có cả những thầy thuốc bị lây nhiễm từ người bệnh. Cũng đã có những bệnh nhân diễn biến nặng, thậm chí phải dùng đến biện pháp lọc máu và chạy ECMO.
Chúng tôi đã đặt ra kịch bản dịch có thể diễn tiến trong những ngày đầu phát hiện 15-20 bệnh nhân và có thể tăng cao nữa. Với những bệnh nhân tại chỗ, sẽ tiếp tục triển khai điều trị tích cực, cứu chữa ở Bệnh viện Đà Nẵng. Chúng tôi đã cử kíp bác sĩ tới hỗ trợ các bệnh viện tại Đà Nẵng và cử kíp điều trị trực tiếp cho BN 91 ở Bệnh viện Chợ Rẫy ra hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng. Từ Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi cũng cử một đội các bác sĩ cấp cứu và Bệnh viện Bạch Mai cũng cử đoàn gồm các thầy thuốc hồi sức tích cực, tim mạch, kiểm soát nhiễm khuẩn và thận nhân tạo vào Đà Nẵng hỗ trợ.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cùng đội công tác đặc biệt đang ở trong Đà Nẵng đang đánh giá khả năng và năng lực để lên một kế hoạch cụ thể hơn để hỗ trợ Đà Nẵng. Các phương án chuyển bệnh nhân giúp giảm tải cho Đà Nẵng đã được tính đến. Khi đã có thêm nhiều ca mắc mới, trong đó có cả nhân viên y tế. Bệnh viện Trung ương Huế hiện đã sẵn sàng đón những bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị mắc Covid-19 và một số ca có diễn tiến bệnh nền. Bên cạnh đó, chúng tôi thiết lập một hệ thống điều trị tại chỗ ở các trung tâm y tế huyện và tại Bệnh viện Phổi của Đà Nẵng.
PV: Theo ông giải pháp tối ưu nhất để Đà Nẵng chống dịch lúc này là gì?
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trước mắt chúng tôi triển khai phương châm 4 tại chỗ, để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân an toàn và hiệu quả. Những bệnh nhân không có điều kiện chuyển, chúng ta có cơ sở và tăng trang thiết bị tốt nhất cho Bệnh viện Đà Nẵng và tăng cường các thầy thuốc giỏi ở các đội cơ động cho Đà Nẵng.
Những bệnh nhân phải cấp cứu và cần những điều trị cần thiết, chúng tôi phân luồng về Bệnh viện Trung ương Huế. Chúng ta đã có phác đồ sau khi ứng phó dịch ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, theo đó, các bệnh nhân nhẹ không có diễn biến nặng, chúng ta giữ lại ở tuyến huyện và có các đội cơ động ở tuyến trên hỗ trợ chuyên môn. Như vậy, hoàn toàn các bệnh viện huyện ở Đà Nẵng có thể điều trị các bệnh nhân nhẹ.
Chúng ta có các bệnh viện chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Trung ương Huế để có thể chủ động chuyển bệnh nhân khi số ca mắc tăng lên. Phương án khác là tăng số giường bệnh tại một số bệnh viện tại Đà Nẵng hay huy động bệnh viện tư nhân... Ngay từ đầu chúng ta đã có phương án mỗi bệnh viện có 20 giường bệnh cách ly để có thể đảm bảo điều trị khi dịch bệnh lan rộng.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Thiên Bình/VOV.VN