Hơn 1.000 điểm khám chữa bệnh được kết nối với tuyến trên

  • 25/09/2020 02:51:56
  • Trần Huyền Trang/VOV1
  • Xã hội
  • 0

Để hỗ trợ người dân được chăm sóc y tế, Bộ Y tế đã ban hành Đề án 'Khám chữa bệnh từ xa' giai đoạn 2020 - 2025.

 

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm rõ rệt. Trước tình hình đó, để hỗ trợ người dân được chăm sóc y tế, Bộ Y tế đã ban hành Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, với sự kết nối giữa hơn 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh cùng hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP.HCM.

Với thông điệp “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, đề án được coi là một bước số hóa của ngành y tế. Không chỉ có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, việc khám chữa bệnh từ xa còn tạo cơ hội để người dân được hưởng các dịch vụ và chăm sóc y tế ngay tại tuyến dưới, nhằm tiết kiệm chi phí đi lại và giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Ngay tại Hà Nội, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kết nối với Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình hỗ trợ tư vấn cho các đồng nghiệp tuyến dưới thực hiện thành công 3 ca bệnh nặng. Thông qua những dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng và tình trạng của bệnh nhân, các y bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tư vấn, hướng dẫn cho các bác sĩ ở Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình phương pháp điều trị tại chỗ cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu khởi phát bệnh.

Ảnh minh họa

Theo TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, thông qua phương pháp hội chẩn từ xa, các y bác sĩ đã có sự phối kết nhịp nhàng, ăn ý, đem lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Các đồng nghiệp ở tuyến dưới đã học được rất nhiều ở trong giai đoạn đầu của tình trạng bệnh.

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, phương thức khám chữa bệnh từ xa cũng đang được tăng cường ứng dụng và đem lại hiệu quả cao. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy khám và điều trị cho gần 10 nghìn lượt bệnh nhân nội và ngoại trú, trong đó có rất nhiều bệnh nhân nặng được chuyển lên từ các tuyến. Bên cạnh nguy cơ mất an toàn do bệnh lý trong quá trình vận chuyển, người bệnh còn có thể đối diện với rất nhiều khó khăn và tốn kém.

Là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, ngoài chức năng điều trị và hỗ trợ điều trị cho các tỉnh thành phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên kích hoạt các chương trình báo động đỏ và quy trình vàng nhằm hỗ trợ các đơn vị bạn cũng như các bệnh viện tuyến địa phương hội chẩn từ xa. Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Chợ Rẫy được đưa vào hoạt động với sự tham gia của hơn 300 điểm cầu nối trực tuyến, nhằm kịp thời xử lý trong tình huống khẩn cấp, an toàn hiệu quả ngay ở tuyến dưới, tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị…. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho các bệnh viện tuyến địa phương, gia tăng cơ hội cho người bệnh ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các kỹ thuật, phương pháp hiện đại trong chẩn đoán và điều trị.

Cũng theo bác sĩ Thức, việc hỗ trợ đọc phim cận lâm sàng (X-quang, CT, MRI) vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán kịp thời nhờ tải được hình ảnh rõ nét, độ phân giải cao. “Khi có trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ đáp ứng nhanh hơn. Nếu như đơn vị bạn cần sự hỗ trợ của BV Chợ Rẫy thì chúng tôi sẵn sàng đi đến tận nơi đối với các trường hợp cấp cứu. Còn đối với những tường hợp bệnh lý có thể trì hoãn được thì sẽ sắp xếp lịch phù hợp và chúng tôi cũng đến hỗ trợ”, bác sĩ Thức cho hay.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính như: “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.

Và điều nhìn rõ nhất thông qua kết nối khám chữa bệnh, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu chữa kịp thời ngay từ tuyến cơ sở. PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Qua kênh chỉ đạo tuyến này, trước mắt, chúng ta tư vấn đào tạo trực tiếp cho các thầy thuốc ở tuyến dưới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra mô hình 1 thầy ở tuyến trên giúp cho 4 bạn bác sĩ ở tuyến tỉnh, giúp cho 4 bạn ở tuyến huyện và 2 bạn ở tuyến xã. Với đội hình là 1 - 4 - 4 - 2. Tức là bằng nền tảng công nghệ thông tin để đưa kiến thức, kinh nghiệm của các thầy ở tuyến trên giúp cho tuyến dưới và tiến tới sau này những người bệnh có cả dụng cụ y khoa kiểm tra sức khỏe và được tư vấn về mạch, huyết áp qua thiết bị đó”.

Đến nay, sau 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP.HCM; Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé… Việc kết nối trực tuyến các cơ sở khám chữa bệnh được coi là giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Việc người dân được hưởng các dịch vụ và chăm sóc y tế ngay tại tuyến dưới giúp tiết kiệm chi phí, tăng cường sự hài lòng người bệnh. Người bệnh cũng hiểu rõ hơn những hoạt động chuyên môn đòi hỏi tập trung trí tuệ, sức lực của cán bộ y tế./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận