Đại lộ Thăng Long là công trình đặc biệt quan trọng của Hà Nội, dài gần 30 km, kết nối trung tâm thủ đô với chuỗi đô thị phía tây, được đưa vào sử dụng đầu tháng 10/2010, dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này đã bộc lộ nhiều bất cập về hạ tầng, đặc biệt là tình trạng “cứ mưa là ngập” triền miên trong nhiều năm qua. Ngoài ra, vị trí một số hầm chui dân sinh trên tuyến đường gom được cho là chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng đi ngược chiều diễn ra phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Chia sẻ với phóng viên Kênh VOV Giao thông, một số người dân sinh sống tại khu vực cho biết, không chỉ mặt đường bê tông xi măng bị hư hỏng, mà khu vực các hầm chui còn có tình trạng ngập sâu khi mưa lớn, hệ thống biển chỉ dẫn chưa đầy đủ. Họ cũng bày tỏ sự e ngại với việc được phép di chuyển hai chiều xe máy trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long:
- Thứ nhất là ngập. Ở đây cứ mưa to là nước ngập đến tận bụng luôn. Thứ hai là biển báo, gờ giảm tốc cũng nên sửa vì lâu ngày cũng bị hỏng rồi.
- Mình có đề nghị là hệ thống biển báo phải nhắc cho người ta biết. Nhiều khi đi vọt qua luôn hầm chui là chuyện bình thường.
- Được phép đi ngược chiều nhưng như thế rất nguy hiểm. Tài xế phóng với tốc độ rất nhanh, chỉ cần một trong hai bên bất cẩn thôi là tai nạn xảy ra.
Được biết, Sở Tài chính vừa báo cáo UBND TP. Hà Nội về chủ trương đầu tư dự án sửa chữa bảo đảm ATGT tại các hầm chui trên đường gom đại lộ Thăng Long thuộc địa bàn huyện Hoài Đức.
Dự án sẽ sử chữa mặt đường bê tông trong hầm và mặt đường các lối ra/vào cửa hầm; cải tạo hệ thống thoát nước; điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống sơn kẻ, biển báo…
Nếu được UBND thành phố chấp thuận thì dự án sẽ được thực hiện ngay trong giai đoạn 2020-2021.
ThS. Vũ Anh Tuấn (Phó Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT) cho biết, theo tiêu chuẩn đường cao tốc, để hình thành một nút giao liên thông thì cự ly tối thiểu là 2km. Nhưng việc bố trí cầu vượt, hầm chui dân sinh tại đường gom sẽ phụ thuộc vào các khu dân cư và quy hoạch sử dụng đất dọc đường cao tốc.
Do vậy, việc lên phương án tổng thể về tổ chức giao thông khi xây dựng đường cao tốc là rất quan trọng. Như tuyến Đại lộ Thăng Long, việc cho xe máy lưu thông hai chiều trên đường gom là rất nguy hiểm. Bởi đường chỉ có 2 làn xe, phần lớn ô tô đều lấn sang làn xe máy chiều ngược lại, còn hệ thống biển báo, vạch sơn theo thời gian không còn đáp ứng được yêu cầu.
ThS. Vũ Anh Tuấn cho biết: Theo tôi, điều quan trọng nhất trọng việc cải tạo là chúng ta tổ chức giao thông lại, không cho phép việc chạy xe máy hai chiều như hiện nay trên đường gom, tổ chức vị trí quay đầu một cách phù hợp. Chỉ khi chúng ta lên được một cái tổng thể về tổ chức giao thông tốt thì khi đó chúng ta mới nên bỏ tiền ra để nâng cấp về hạ tầng, chất lượng bề mặt đường, bổ sung biển báo giao thông, vạch sơn.
Đồng tình với quan điểm này, KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam) cho rằng, việc sửa chữa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là yếu tố kỹ thuật. Tình trạng ngập úng khi mưa lớn tại các hầm chui dân sinh là do hệ thống thoát nước sai thiết kế, cao độ đường gom thấp hơn nền xây dựng hai bên. Do vậy, việc sửa chữa cần đảm bảo nước thoát ra hệ thống khung với đường ngầm: Đầu tiên phải nói đến tác động của biến đổi khí hậu. Lúc trước chúng ta làm thì chưa rõ biến đổi khí hậu, ví dụ như lượng nước mưa là yếu tố cần quan tâm. Thứ hai cần gắn kết với không gian ngầm mà hiện nay thành phố Hà Nội đang hoàn thiện.
Trước đó, năm 2010, theo kết luận Thanh tra Chính phủ, một số khu đô thị, khu công nghiệp dọc hai bên Đại lộ Thăng Long tiến hành san lấp mặt bằng cao hơn cao độ theo quy hoạch, không có đường gom nội bộ mà lại kết nối trực tiếp. Đây chính là bài học kinh nghiệm cho các khu vực chưa san nền, hoặc các tuyến đường bộ cao tốc khác trong tương lai.
Theo VOVGIAOTHONG.VN