Vào giờ cao điểm sáng, chiều, đặc biệt khi có mưa to, nút giao này hầu như luôn xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
Dự án đường Vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở có chiều dài hơn 5km, là một đoạn tuyến trong tổng thể Dự án đường vành đai 2 - tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội, có vai trò kết nối rất quan trọng.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV Giao thông, đoạn Minh Khai - Đại La hiện như một đại công trường “nham nhở”. Không chỉ khói bụi, ồn ào và tắc đường, những bãi tập kết rác tự phát và vật liệu xây dựng bên đường đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cùng việc đi lại của người dân.
Còn tại đoạn Trường Chinh, việc thi công đã cơ bản đã hoàn thành và tuyến đường trên cao đang chờ ngày thông xe. Tuy nhiên, như VOV Giao thông từng nhiều lần đề cập, việc các dòng xe lưu thông nhanh trên đường Trường Chinh và đổ dồn về Ngã tư Sở khiến khu vực này trở thành “nút thắt” về giao thông. Trong khi đèn đỏ lên tới hơn 100 giây thì đèn xanh chỉ có 38 giây, và tình trạng ùn tắc kéo dài thường xuyên xảy ra.
Tương tự, tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, tình trạng ùn tắc cũng xuất hiện khi nút giao này được tổ chức lại. Từ chỗ đóng dải phân cách cứng và buộc phương tiện chuyển hướng tại các điểm quay đầu xe, thì nay thành nút giao hoàn chỉnh với đèn tín hiệu giao thông.
Một số người thường xuyên di chuyển trên đường Trường Chinh chia sẻ:
Có hôm mình mất khoảng 20-30 phút để đi qua được. Các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu tăng thêm nhịp đèn xanh ở phía Trường Chinh đi về Ngã tư Sở.
Sau này mà làm thêm tuyến đường Vành đai 2 kéo dài đến dốc Bưởi thì tốt, bởi tuyến đường Láng không đủ để đáp ứng lưu
Đường Tôn Thất Tùng vẫn đang rất nhỏ, còn bị cái cổng Bệnh viện Đại học Y, rồi Trường Đại học Y. Và cái đèn không hợp lý, đèn đỏ quá dài, đèn xanh chỉ mười mấy giây thôi. Bao nhiêu nhịp đèn xanh vẫn không qua được.
Theo ThS. Vũ Anh Tuấn (Phó Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý GT-VT, Trường Đại học GT-VT), về nguyên tắc, trước khi xây dựng hay cải tạo một tuyến đường thì cần đánh giá xem lưu lượng phương tiện phát sinh là bao nhiêu. Do năng lực lưu thông của đường Trường Chinh đã thay đổi, nên những nút giao với đường hiện hữu chưa được nâng cấp sẽ trở thành “nút thắt”, và đây thực sự là “bài toán” khó:
Trước mắt, khi chưa cải thiện đồng bộ về hạ tầng thì chúng ta có thể xem xét điều chỉnh các chương trình đèn giao thông một cách phù hợp. Còn để giải quyết một cách triệt để thì chúng ta phải cung cấp, bổ sung năng lực phù hợp vào từng đoạn, từng nút; nâng cấp các tuyến đường tránh, đường song song để lưu lượng không bị hút hết sang tuyến đường mới.
Cũng theo ThS. Vũ Anh Tuấn, việc đóng hay mở giải phân cách cứng tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng không phải nguyên nhân của tình trạng ùn tắc, mà là do chương trình đèn giao thông chưa hợp lý, cần có sự điều chỉnh dựa trên nghiên cứu và khảo sát thực tế.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, trong lúc chờ giải pháp triệt để là hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông thì trước mắt, việc điều chỉnh đèn tín hiệu cho phù hợp sẽ phần nào giải quyết tình trạng ùn tắc:
Cực kỳ khó để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại đây. Giải pháp tình thế thôi, chúng ta có thể nghĩ đến chuyện chặn bớt một số luồng giao thông hướng vào Ngã tư Sở. Chúng ta điều tiết chu kỳ đèn theo thời gian thực, đèn có liên động với camera, liên kết với phần mềm đếm xe. Công nghệ đó đã được áp dụng ở một số nơi trên thế giới và nó không quá đắt. Xuất phát từ số lượng đếm xe mà điều tiết thời gian đèn xanh, đèn đỏ cho mỗi hướng.
TS. Phan Lê Bình cũng cho rằng, với các tuyến đường mới hoặc được nâng cấp, mở rộng, Thành phố cần dành sự ưu tiên cho phương tiện giao thông công cộng như xe buýt với làn đường riêng, từ đó tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân và góp phần giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông./.
Minh Hiếu/VOVgiaothong.vn